Truyền thông Trung Quốc chi 19 triệu USD quảng cáo trên hàng loạt báo Mỹ

Báo China Daily của Trung Quốc đã chi gần 19 triệu USD cho hoạt động quảng cáo và in bài trên các tờ báo lớn của Mỹ trong 4 năm qua.
Một số báo in của Mỹ (Ảnh: Shehabnews). Một số báo in của Mỹ (Ảnh: Shehabnews).

Bộ Tư pháp Mỹ nhiều năm qua đã yêu cầu China Daily, tờ báo tiếng Anh thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, công bố các hoạt động kinh doanh theo Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài (FARA).

Bản đệ trình gần đây nhất của China Daily cho Bộ Tư pháp Mỹ được đưa ra vào ngày 1/6, bao gồm các khoản chi từ tháng 11/2016 tới tháng 4/2020.

Dữ liệu từ Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy, trong 4 năm qua, China Daily đã trả cho báo Washington Post hơn 4,6 triệu USD và Wall Street Journal gần 6 triệu USD.

Cả hai báo này đều phát hành phụ trang “China Watch” do China Daily sản xuất với thiết kế giống như các bài báo thực sự, nhưng thường có nội dung ủng hộ Trung Quốc.

Một bài viết từ tháng 9/2018 đã ca ngợi sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc với tiêu đề: “Vành đai và Con đường đồng hành cùng các nước châu Phi”.

Ngoài ra, China Daily cũng cũng chi tiền quảng cáo trên các báo khác như New York Times (50.000 USD), Foreign Policy (240.000 USD), Des Moines Register (34.600 USD), CQ-Roll Call (76.000 USD).

Tổng cộng China Daily đã chi 11.002.628 USD cho quảng cáo trên báo Mỹ và 265.822 USD quảng cáo trên mạng xã hội Twitter. China Daily còn bỏ ra 7,6 triệu USD cho các tờ báo và công ty in ấn tại Mỹ để in báo China Daily phục vụ độc giả tại Mỹ. 

Các báo Los Angeles Times, Seattle Times, Atlanta Journal-Constitution, Chicago Tribune, Houston Chronicle và Boston Globe đều là những khách hàng của China Daily. Tờ báo Trung Quốc đã trả cho Los Angeles Times 657.523 USD cho việc in ấn.

Hồi tháng 2, Mỹ đã thông báo siết chặt 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc và đối xử với các cơ quan này tương tự đại sứ quán, gồm Xinhua, CGTN, China Radio, China Daily và People's Daily.

Mỹ cáo buộc các cơ quan truyền thông này đóng vai trò như công cụ tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc, do vậy phải đăng ký hoạt động giống như các cơ sở ngoại giao.

Một số nguồn tin hồi đầu tháng 6 cho biết Mỹ dự kiến sẽ xếp 4 hãng truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc vào nhóm “đại sứ quán nước ngoài”, ngoài 5 cơ quan truyền thông trên. Danh sách các hãng truyền thông có thể sắp bị ban lệnh hạn chế gồm Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) và dịch vụ tin tức Trung Quốc (CNS) - hãng tin tức nhà nước lớn thứ 2 tại Trung Quốc.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục