Báo Đầu tư Chứng khoán chia sẻ với bạn đọc góc nhìn của một nhà quản lý quỹ, nhà đầu tư nước ngoài về truyền thông tài chính trong nước. Dưới đây là bài viết của bà Trần Thị Kim Cương, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành đầu tư Công ty Quản lý quỹ Manulife.
Tin bài không chỉ nhanh, mà còn phải sâu
Hiện tại, giới truyền thông tại Việt Nam có được sự nhạy bén, sắc sảo khi nắm bắt vấn đề, đồng thời có được tốc độ truyền tải thông tin nhanh chóng thông qua các trang báo mạng. Thông tin được cập nhật nhiều hơn, nhanh hơn, góp phần đáp ứng nhu cầu của đa phần người đọc, tuy nhiên, yếu tố tốc độ khiến các thông tin thiếu độ sâu, chưa có những phân tích toàn diện.
Xét về phương diện nắm bắt tin tức, tốc độ đưa tin bài, các phóng viên, báo chí tại Việt Nam không có nhiều cách biệt so với các quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên, ở nước ngoài, các phóng viên có kiến thức nền và sự gắn bó với thị trường tốt hơn. Khi có thông tin mới xuất hiện, họ có thể cung cấp thông tin nóng, cùng với những phân tích sâu trong thời gian ngắn, chỉ cần vài tiếng đồng hồ. Đây là điểm mà truyền thông Việt Nam còn hạn chế.
Người viết phải có sự cọ xát với thực tế, cần trao đổi với nhiều đối tượng có liên quan tới vấn đề, để bài viết không chỉ cung cấp thông tin bề mặt, mà còn phản ánh được góc nhìn đa chiều, toàn diện và cả kiến thức mới cho người đọc. Chất lượng bài viết của các tờ báo giấy nhìn chung tốt hơn, nhưng những bài viết sâu sắc, gây ấn tượng mạnh chưa nhiều, và dường như ngày càng ít đi.
Một vấn đề đáng lưu ý là, một số bài báo phân tích không chính xác, lệch lạc, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư. Chẳng hạn, với ngành quản lý quỹ, khi các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nếu thị trường giảm, những quỹ đó cũng sẽ giảm giá trị. Tuy nhiên, các quỹ thường đầu tư dài hạn, không lướt sóng, thời điểm này giảm nhưng có thể tăng vào 1 năm hoặc vài năm sau đó. Một số bài báo chưa hiểu về vấn đề này, vội giật tít “6 tháng công ty quản lý quỹ đều lỗ”. Có thể trong 6 tháng đó, doanh thu, lợi nhuận của quỹ âm, nhưng đây là thực hiện báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý, không phải bản chất của câu chuyện. Việc báo chí đưa tin như vậy tạo ra ảnh hưởng tiêu cực cho ngành, khiến các nhà đầu tư e ngại bỏ vốn.
Do đó, nếu đưa những thông tin thiếu toàn diện, có phần quy chụp, vô hình chung sẽ giết chết ngành quản lý quỹ. Nên chăng, các bài viết phản ánh theo hướng, khi thị trường giảm điểm, quỹ nào lỗ ít hơn? So với các chỉ số chung của thị trường, diễn biến NAV của các quỹ ra sao, chiến lược đầu tư của các quỹ trong thời điểm này có gì khác?
Bên cạnh đó, với thị trường tài chính non trẻ như Việt Nam, rất cần cách viết và những bài viết góp phần đào tạo nhà đầu tư, cung cấp thêm kiến thức và sự hiểu biết.
Cần doanh nghiệp chung tay
Cá nhân tôi trong vai trò bạn đọc không thích những bài báo màu mè, phô trương hình ảnh của doanh nghiệp. Nhà đầu tư là những người luôn quan tâm tới thị trường, họ có cái nhìn khá sát sao và sự hiểu biết về những doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức, phát triển bền vững và quan tâm đến nhà đầu tư.
Thực tế, báo chí nước ngoài không chịu nhiều áp lực về tài chính như báo chí Việt Nam, bởi ông chủ các tòa soạn báo nước ngoài đa phần là những tập đoàn đã thành công trong lĩnh vực khác. Nhờ nguồn tài chính vững mạnh này, họ làm việc chuyên nghiệp, tách bạch phần nội dung và kinh doanh. Tất nhiên, quảng cáo vẫn là một trong các nguồn thu của tòa soạn.
Một đặc điểm khác khiến báo chí kinh tế, tài chính nước ngoài có nhiều thuận lợi hơn so với báo chí Việt Nam, đó là các doanh nghiệp niêm yết tại các thị trường phát triển thường có quy mô lớn, minh bạch thông tin và chuyên nghiệp trong quan hệ với giới truyền thông, nhà đầu tư. Doanh nghiệp niêm yết thường có những cuộc họp định kỳ với giới phân tích (cũng thường là nhà báo) và giới truyền thông. Tại đó, HĐQT và ban lãnh đạo công ty sẽ trao đổi, giải đáp mọi thắc mắc mà giới phân tích cũng như báo chí đưa ra. Do vậy, giới truyền thông tại đây thường có những thông tin chính xác, sâu rộng để chuyển tải tới thị trường.
Tuy nhiên, với sự phát triển và hội nhập kinh tế ngày càng chặt chẽ của Việt Nam với khu vực và thế giới, truyền thông tài chính nói riêng và truyền thông nói chung tại Việt Nam sẽ phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn. Tất nhiên, báo chí cần đáp ứng được thị hiếu của số đông, nhưng những tờ báo uy tín, đưa tin chất lượng chắc chắn sẽ vẫn giữ vững vị thế trong lòng độc giả và tiếp tục phát triển.