Bước ra sân khấu lộng lẫy trên sàn diễn London Fashion Week trung tuần tháng 9/2018 là một “diễn viên” đặc biệt đính pha lê lấp lánh, sánh vai cùng những cô người mẫu xinh đẹp.
“Diễn viên đặc biệt” đó là robot Ohmni và đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một robot trình diễn trên sân khấu thời trang lớn nhất thế giới.
Show diễn của Ohmni có tên là AI có nghĩa là Trí tuệ nhân tạo nhưng cũng có nghĩa là “ái” - tình yêu, được chọn bởi cha đẻ của nó là một người Việt. Ở ngoài sàn diễn, Ohmni đã mang lại niềm hạnh phúc, niềm vui và “chữa trị” căn bệnh cô đơn cho rất nhiều người già cô đơn ở Mỹ. “AI” như một câu chuyện nhẹ nhàng phản bác lại quan điểm của “người sắt” Elon Musk rằng: “Robot sẽ là mối đe dọa lớn cho loài người”.
Cùng thời điểm Ohmni gây sửng sốt với cả thế giới trên sàn diễn hoa lệ, ở quê nhà Việt Nam, “cha đẻ” của Ohmni đang đứng trên bục giảng để chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, thổi niềm đam mê và tình yêu vào robot cho sinh viên.
Người Việt đặc biệt ở Silicon Valley…
Cho đến tận bây giờ, Vũ Duy Thức vẫn là cái tên đọng lại trong ký ức nhiều thầy cô, bè bạn ở Trường phổ thông Năng khiếu Đại học Quốc gia TP.HCM. Không chỉ là một học sinh nổi tiếng đạt nhiều giải nhất cấp quốc gia về tin học ở Việt Nam và Mỹ, Thức là người có niềm say mê kỳ lạ, có thể thức trắng đêm để giải một bài toán bằng nhiều cách khác nhau.
Tốt nghiệp trung học, Thức chọn Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) là bến đỗ tiếp theo. Trong 3 năm đại học, Thức đã xuất bản 3 công trình nghiên cứu, ngang bằng “quota” của tiến sĩ. Phần mềm robot Aibo cho Sony của Thức đã gây sự chú ý trong cộng đồng nghiên cứu khoa học Mỹ lúc đó.
Tôi hoàn toàn tin rằng, với nguồn nhân lực trẻ, thông minh và tâm huyết, với định hướng đúng đắn và giải pháp tập hợp được những nguồn lực, chúng ta có thể trở thành một quốc gia phát triển về AI.
Vũ Duy Thức
Khi tốt nghiệp đại học với số điểm tuyệt đối, đạt Giải thưởng “Sinh viên ưu tú nhất” của Hiệp hội Nghiên cứu tin học Mỹ (CRA), Thức được 7 trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ như MIT,
Stanford, Carnegie Mellon, Berkeley… “trải thảm đỏ” mời học. Thức đã chọn Stanford và năm 2010, anh là sinh viên Việt Nam đầu tiên trong lịch sử 125 năm của Stanford đạt học vị tiến sỹ ở tuổi 28.
Cùng với 2 người bạn khác, Thức bắt đầu dự án đầu tay mang tên Kantago. Start-up phân tích các tương tác và mối quan hệ của người dùng này đã nhận được sự chú ý đặc biệt. Chỉ 2 tuần sau khi Google+ được tung ra, nhóm của Thức cũng giới thiệu Kantago.
“Khác với Google+, sản phẩm của chúng tôi khi đó có thể tự động tạo những circle - vòng tròn xã hội cho người dùng Facebook”, Thức cho biết.
Tháng 11/2011, Google mua lại Kantago và Thức về làm việc cho Google+. Cuối năm 2014, Thức nghỉ việc ở Google và thành lập Tappy, mạng xã hội cung cấp thông tin và địa điểm. Tappy phát triển các Google App để kết nối người tiêu dùngvới các doanh nghiệp địa phương. Đến năm 2015, Tappy được Weeby.co ở Silicon Valley mua lại.
Giữa tháng 7/2015, anh cùng một vài người bạn sáng lập OhmniLabs. Sống ở Mỹ suốt thời gian dài, Thức nhận thấy một vấn đề xã hội là 70% trong số 44 triệu người già của Mỹ phải sống một mình. Ohmni đã ra đời như một người bạn dành cho họ. Đó là robot gọn nhẹ, có khả năng di chuyển linh hoạt, có thể cùng đi dạo, xem phim với người già và kết nối họ với con cái, bạn bè ở xa.
“Trong quá trình thử nghiệm robot, một người dùng ở San Diego gọi về nhà khi đang đi công tác và lo lắng vì mẹ anh không trả lời. Anh kích hoạt Ohmni và thấy mẹ nằm trên giường, gần như không hồi đáp vì bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Anh đã gọi 911 cùng anh trai trong khi giữ liên lạc với mẹ qua robot và bà đã được đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời”, Thức kể lại.
Chỉ sau 4 ngày “trình làng”, Ohmni đã chạm mục tiêu 100.000 USD gọi vốn cộng đồng, tạo ra cơn sốt truyền thông trên nhiều hãng tin tức lớn như New York Times, CNN, CNBC, ABC, Washington Post…
Thức cho biết, ở các phiên bản sau, Ohmni sẽ được phát triển thêm các tính năng mới như hỗ trợ người già nâng đỡ đồ vật, mở cửa, bật tắt đèn, giặt quần áo, quét dọn nhà cửa hay chăm sóc sức khỏe (đo và theo dõi nhịp tim, huyết áp, lượng đường trong máu…) Trong tương lai, Thức hy vọng, Ohmni sẽ về quê nhà Việt Nam, trở thành những “thầy giáo”, “bác sỹ” giúp người nghèo ở vùng sâu, vùng xa.
Từ khởi đầu thành công của Ohmni, Thức cùng đồng sự lập nên start-up Kambria, một hệ thống mở dựa trên công nghệ blockchain gồm các nhà tài trợ, các công ty, các nhà đóng góp, nhà sản xuất và người dùng được trao quyền để cộng tác và phát triển hệ sinh thái robot tăng trưởng theo cấp số nhân.
Tên gọi của dự án nhằm gợi tới Kỷ Cambri hơn 500 triệu năm trước, nguồn gốc của sự bùng nổ sự sống trên Trái đất. Anh tin rằng, nền tảng Kambria sẽ là chất xúc tác cho một sự bùng nổ công nghệ AI vào cuộc sống. Mục tiêu của dự án này là thiết kế và cung cấp các robot tiêu dùng có khả năng cao nhất có mức giá phải chăng, với tốc độ sản xuất nhanh gấp 10 lần.
Kambria đang nhận được sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng các nhà nghiên cứu, tài trợ, nhà sản xuất trên khắp thế giới. Nền tảng này đang hợp tác phát triển xe không người lái, máy bay không người lái và robot y tế. Rất có thể, tới đây các trung tâm R&D của Kambria sẽ mọc lên ở Ấn Độ, Việt Nam và khắp toàn cầu. Đó là cách Thức đẩy nhanh ứng dụng AI vào robot và cũng là cách anh muốn giúp các kỹ sư, nhà nghiên cứu rút ngắn thời gian, lập hệ sinh thái để hỗ trợ họ trong nghiên cứu AI.
“Món quà” của đứa con Việt
Với Thức, thước đo thành công là mang đến sự thành công cho người khác. Trong chặng đường của mình, Thức thấy mình rất may mắn khi nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều người đi trước vào đúng thời điểm cần thiết. Anh cũng đã chứng kiến nhiều bạn trẻ thông minh, học giỏi, nhưng vì điều kiện khó khăn không thể thực hiện được giấc mơ của mình, phải bỏ học giữa chừng.
Chính vì thế, năm 2011, Thức đã cùng bạn bè sáng lập nên Quỹ VietSeeds để hỗ trợ hàng trăm suất học bổng trị giá 1.000 - 4.000 USD/năm cho các tân sinh viên nghèo, học giỏi ở Việt Nam. Năm 2018, Thức cùng bạn bè tổ chức các buổi biểu diễn gây quỹ và đến nay đã trao 300 suất học bổng cho sinh viên.
“Tôi rất tự hào khi thấy ‘hạt giống’ của chúng tôi lớn lên và bắt đầu đóng góp cho cuộc đời”, Thức tâm sự.
Với tâm thế “ăn khế trả vàng”, VietAI là dự án phi lợi nhuận mà anh cùng bạn sáng lập ra nhằm phát triển cộng đồng nghiên cứu và thực hành trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Trong hành trình bận rộn của mình năm 2018, Thức đã tổ chức, đứng lớp các khoá học, đào tạo cho hơn 100 sinh viên ở TP.HCM, Hà Nội, Huế về AI, với kỳ vọng sẽ góp phần ươm mầm các tài năng nghiên cứu về AI cho Việt Nam.
Kế hoạch của Thức trong tương lai là hợp tác với các trường đại học tại Việt Nam để xây dựng những trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển robot. Thức đang nỗ lực liên kết những trung tâm này với các công ty công nghệ lớn khác và nhiều trường đại học hàng đầu thế giới, để tạo ra một môi trường trao đổi nghiên cứu về robot tốt nhất cho Việt Nam.
Cùng với đó, anh đang đưa chương trình đào tạo có uy tín nhất về AI từ Thung lũng Silicon về Việt Nam để đào tạo một đội ngũ kỹ sư Việt tài năng, đồng thời kết nối cộng đồng AI tại Việt Nam và Thung lũng Silicon. “Với tôi, dù ở đâu, làm gì thì quê hương luôn có một vị trí đặc biệt. Điều đó khiến tôi cảm nhận phải có trách nhiệm, thôi thúc tôi phải làm một cái gì đó cho cộng đồng, cho đất nước”, Thức tâm sự.
Điểm chung rất dễ nhận ra trong tất cả các dự án nghiên cứu, khởi nghiệp mà Thức tham gia là đều hướng đến cộng đồng, từ Kantago và Tappy kết nối con người, đến Ohmni chữa bệnh cô đơn cho người già, Kambria để phát triển cộng đồng nghiên cứu robot, Quỹ VietSeeds để hỗ trợ sinh viên nghèo học giỏi, VietAI phát triển cộng đồng nghiên cứu và thực hành trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam…
Cho dù vang danh trên đất Mỹ, trở thành một “serial entrepreneur” (những người từng sáng lập hàng loạt công ty khác nhau) của thế giới, nhưng niềm đam mê công việc, sáng tạo, cống hiến vì cộng đồng trong Thức chưa bao giờ ngơi nghỉ. Anh đã và đang là niềm cảm hứng bất tận, nuôi dưỡng đam mê cho vô số bạn trẻ Việt Nam. Hy vọng một ngày không xa, trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có trình độ AI hàng đầu. Đó cũng chính là ước mơ, mục tiêu theo đuổi của Vũ Duy Thức…
Năm 2001, Vũ Duy Thức đoạt giải Nhất Tin học Mỹ mở rộng, tham gia đội tuyển Mỹ dự Olympic quốc tế.
Năm 2015: OhmniLabs do anh đồng sáng lập đã vượt qua hơn 1.000 start-up để đoạt giải Nhất Cuộc thi G-Startup Worldwide tại Silicon Valley.
Năm 2017: Được Silicon Valley Business Journal, tạp chí kinh doanh có uy tín tại Mỹ vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng lớn nhất tại Silicon Valley.