“Truyền” để... thông

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự phát triển của công nghệ tạo nên những thay đổi nhanh chóng về cách thức truyền tải cũng như sự nhạy cảm đối với thông tin, đặc biệt là những vấn đề về chính sách.
Người dân có thể đóng góp xây dựng chính sách thông qua chiếc smartphone ở mọi lúc, mọi nơi. Người dân có thể đóng góp xây dựng chính sách thông qua chiếc smartphone ở mọi lúc, mọi nơi.

Đúng mà chưa đủ

Sau câu chuyện “Tối ưu hóa tài nguyên đất đai” đăng tải trên Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, chủ tịch của một tập đoàn bất động sản lớn, đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu về chính sách tiếp tục dành thời gian chia sẻ với phóng viên về những trăn trở của ông xung quanh vấn đề xây dựng và thực thi chính sách, đặc biệt là chính sách đất đai.

Ngoài những vấn đề về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hay dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), vị lãnh đạo doanh nghiệp còn bàn về các vấn đề bên lề, đặc biệt là câu chuyện về truyền thông cặn kẽ với từng điểm thay đổi mà có thể tác động rất lớn tới quá trình vận hành của thị trường đất đai - vốn dĩ vô cùng phức tạp.

Nếu như trước đây, do hạn chế về Internet, truyền thông chính sách chỉ mang tính chất đơn chiều, chủ yếu qua con đường truyền miệng, văn bản, giấy tờ, thì với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, mạng xã hội, phương thức truyền thông hiện nay đã chuyển sang hướng số hóa và gần như mọi vấn đề đều không bị bỏ sót bởi công chúng.

Vì vậy, truyền thông chính sách hiện nay đòi hỏi không chỉ đúng, mà còn đủ và nhanh, bởi lẽ “nói chuyện với đám đông” - đặc biệt là về những điều mới mẻ, khác biệt, có khả năng làm xáo trộn thói quen và đảo ngược quan niệm thông thường của họ - cần hơn rất nhiều sự nhẫn nại và chi tiết, cũng như "từ sớm, từ xa".

Mạng xã hội hiện nay trao quyền nhiều hơn cho người dân tham gia, cho tất cả mọi người cảm giác thấy mình có trách nhiệm, có khả năng nhiều hơn trong việc đóng góp xây dựng chính sách chỉ bằng một chiếc smartphone trên tay ở mọi lúc, mọi nơi. Vì thế, nếu không có kế hoạch truyền thông gần gũi, giải đáp các câu hỏi thiết yếu của công chúng thì rất có thể một chính sách mới dù đúng cũng sẽ gây ra những phản ứng trái chiều.

Các câu chuyện xây dựng chính sách gần đây như sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất, hay sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng nhận được sự quan tâm rất lớn của công chúng. Hầu hết các cuộc thảo luận đã thu hút và tập hợp được đông đảo các chuyên gia nói riêng, người dân trong và ngoài nước nói chung, từ đó tạo ra sự chuyển biến trong cách ra quyết định của những người có quyền lợi liên quan trong xây dựng chính sách pháp luật.

Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, ông Nguyễn Thanh Hà, người đã tham gia nhiều talkshow và cộng tác viên viết bài cho Báo Đầu tư nhận xét, các kênh đầu tư tài chính hiện tại chịu ảnh hưởng và có sự nhạy cảm rất lớn với các thông tin về chính sách. Bởi vậy, việc thay đổi cách tiếp cận và thực hiện đánh giá những tác động tổng thể của các dự án xây dựng chính sách thông qua tiếp thu các khuyến nghị, hồi đáp sâu sắc từ chính những người thụ hưởng, mới giúp các chính sách gần gũi, thiết thực và dễ đi vào cuộc sống trong dòng chảy của xã hội.

Nếu không có kế hoạch truyền thông gần gũi, giải đáp các câu hỏi thiết yếu của công chúng thì rất có thể một chính sách mới dù đúng cũng có thể sẽ gây ra những phản ứng trái chiều.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương, cơ quan hiện nay vẫn đặt nặng tư duy và truyền thông nội bộ, truyền thông trực tiếp (thay vì nghĩ tới vấn đề truyền thông rộng rãi tới công chúng xã hội), hoặc không đánh giá đúng mức độ tác động xã hội vượt khuôn khổ địa phương của chính sách mới. Hệ quả, chính sách đó dễ gặp phản ứng, thậm chí phải dừng lại khi chưa đến thời điểm có hiệu lực.

Câu chuyện về dự án hồ chứa nước Ka Pét tại Bình Thuận vừa qua đã được nhiều chuyên gia đưa ra là một ví dụ điển hình trong việc chưa có cách tiếp cận truyền thông chuẩn chỉ cho dự án này. Trong khi đó, đây là dự án đã được thảo luận trên diễn đàn Quốc hội, báo chí tường thuật công khai từ khi Chính phủ trình dự thảo cho đến khi các đại biểu Quốc hội thảo luận các vấn đề liên quan, bấm nút thông qua từ năm 2019 và điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 6/2023.

Sự xuất hiện và giải thích của Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An trong một bài phỏng vấn sau đó, cùng với việc dẫn giới báo chí vào thực địa hiện trường dự án trước khi tổ chức họp báo là những điểm cộng về truyền thông, giúp công chúng hiểu rõ vấn đề, nhưng vẫn không phủ nhận thực tế rằng, trước đó có một thời gian dài để truyền thông cho dự án, nhưng địa phương làm chưa tốt.

Truyền thông cần đa chiều, thực chất

Ở một câu chuyện khác, cách đây không lâu, sau khi chính thức khởi công tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, UBND huyện Mê Linh ngay lập tức đã phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức hội thảo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.

Điểm khác biệt lớn nhất ở hội thảo này, như GS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trường Trường đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá cao khi tham gia thảo luận, là thay vì tổ chức mang hình thức báo cáo, huyện Mê Linh đã tập trung lắng nghe mọi ý kiến chia sẻ từ các chuyên gia trong và ngoài nước, để từ đó phác thảo lên một bản quy hoạch đủ tầm cho Mê Linh triển khai trong vài chục năm, thậm chí cả trăm năm mà nhiều khả năng không phải sửa đổi.

Đây là cách thức tiếp cận dư luận tốt, bởi một dự án có sự tác động đến hàng trăm nghìn người và tiếp diễn vài thế hệ không thể triển khai một cách sơ sài với cách tư duy của một số ít người. Xét trong bối cảnh từng có không ít dự án quy hoạch “chết” ngay sau khi ban hành, đến mức người dân nản lòng, mất niềm tin, thì quá trình truyền thông cặn kẽ, bài bản càng trở nên cần thiết.

Các ví dụ nêu trên không dừng lại ở “đúng” hay “sai”, vì mỗi chính sách được ban hành đều có nguyên nhân và mục đích cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây là cách thức truyền thông để chạm tới đúng đối tượng thụ hưởng từ chính sách, bao gồm doanh nghiệp, người dân và cả chính người thực thi chính sách.

Sự ra đời của mạng xã hội đã mang tới sự tích cực, chủ động của công chúng và tạo thêm cầu nối cho quá trình đối thoại chính sách của cơ quan quản lý với người dân, doanh nghiệp, từ đó gia tăng khả năng đạt được mục tiêu làm cho công chúng biết về chính sách nhiều hơn.

Dẫu vậy, mạng xã hội cũng có mặt hạn chế khi không có khả năng duy trì các cuộc đối thoại thực chất, bền vững. Không ít câu chuyện phản biện thời gian qua thiếu vắng kết quả nghiên cứu thực địa, thiếu vắng sự đối thoại đa ngành. Trong khi đó, các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau không thể trao đổi dưới các “status”, mà cần có các cuộc hội thảo, đối thoại đa chiều, thường do các cơ quan báo chí chính thống thực hiện.

Linh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục