Truy trách nhiệm trong 5 dự án ngàn tỷ

Bộ Công Thương sẽ thành lập Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng làm Trưởng Ban để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai xử lý khẩn trương, dứt điểm các vấn đề tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong kế hoạch hành động của ngành Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, đối với các dự án thua lỗ gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Tổng cục Năng lượng, Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại của các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; khẩn trương xử lý dứt điểm, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước.

Bộ trưởng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện các dự án; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.

Bộ cũng sẽ thành lập Ban Chỉ đạo do đích thân Bộ trưởng làm Trưởng Ban để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai xử lý khẩn trương, dứt điểm các vấn đề tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương. Các đồng chí Thứ trưởng phụ trách các lĩnh vực liên quan tham gia Ban Chỉ đạo và chịu trách nhiệm chỉ đạo, xử lý các vấn đề ở các dự án thuộc lĩnh vực được giao.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều vị đại biểu Quốc hội và cử tri có ý kiến về các dự án đầu tư lớn của tập đoàn, tổng công ty nhà nước chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí, phải dừng đầu tư, dừng hoạt động, trong đó có 5 dự án của ngành Công Thương.

Cũng trong kế hoạch hành động, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao nhiệm vụ cụ thể cho các Thứ trưởng.

Trong đó, đáng chú ý, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trực tiếp chỉ đạo, Cục Quản lý cạnh tranh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trực tiếp chỉ đạo, Cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm để hạn chế tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác này thời gian tới.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trực tiếp chỉ đạo, Cục Hóa chất chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan: Quản lý chặt chẽ việc sản xuất phân bón; xây dựng, ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia về phân bón; đề xuất phương án thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng này.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trực tiếp chỉ đạo, Vụ Công nghiệp nặng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng cơ chế khuyến khích sản xuất để bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô, lộ trình thực hiện kể từ năm 2017; hoàn thành danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trực tiếp chỉ đạo, Tổng cục Năng lượng chủ trì, phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các công trình, dự án thủy điện vi phạm pháp luật về đầu tư, về bảo vệ môi trường, xả lũ gây thiệt hại cho đời sống, sản xuất của nhân dân vùng hạ lưu...

Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục