Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành dầu khí

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vừa có buổi làm việc với Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành dầu khí

Tại buổi làm việcngày 25/1, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, cần tập trung hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành dầu khí và các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam theo Nghị quyết số 41 ngày 23/07/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết số 41 ngày 23/07/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, lãnh đạo PVN đã cho biết, PVN đã tổ chức tốt việc tuyên truyền, quán triệt, xây dựng ban hành chương trình, kế hoạch hành động để thể chế hoá các chủ trương trong Nghị quyết 41; định kỳ hàng năm đều có những đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 41; qua đó đã đề xuất một số kiến nghị quan trọng, cần thiết phải xử lý trong thời gian tới.

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng trong 03 năm qua (nhất là trong năm 2018), PVN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Về tổng quan, PVN vẫn phát triển đúng theo những định hướng chiến lược; phù hợp với 06 quan điểm chủ đạo và mục tiêu tổng quát nêu trong Nghị quyết. Nhiều mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu sản xuất được hoàn thành hoặc tiệm cận hoàn thành như khai thác, tiêu thụ khí, sản xuất các loại sản phẩm xăng dầu, điện, đạm; hàng năm PVN đều hoàn thành các chỉ tiêu về tài chính như doanh thu, lợi nhuận, nộp NSNN ở mức cao; đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn; kiểm soát được công nợ.

Công tác tái cơ cấu đạt yêu cầu đề ra theo hướng rút gọn bộ máy điều hành để nâng cao hiệu quả quản trị (cơ quan Tập đoàn giảm từ 28 đầu mối xuống còn 16 đầu mối); công tác cổ phần hóa được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Năm 2018, PVN đã cổ phần thêm 03 Tổng công ty lớn là PV Oil, PV Power và BSR thu về 7,500 tỷ vốn thặng dư.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết cũng còn một số hạn chế. Cơ chế, chính sách cho phát triển ngành dầu khí nói chung và Tập đoàn Dầu khí quốc gia còn nhiều vướng mắc, chưa thực hiện đầy đủ theo chủ trương, yêu cầu của Kết luận 41 của Bộ Chính trị như: còn thiếu cơ chế đặc thù riêng cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển; việc phân cấp, phân quyền chưa phù hợp; nhiều luật liên quan còn chồng chéo, còn nhiều hạn chế; việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao cho các Bộ ngành còn nhiều bất cập, chưa đạt yêu cầu đề ra (Bộ Công Thương còn 3/7 nhiệm vụ chưa hoàn thành, Bộ Tài chính chưa hoàn thành cả 04 nhiệm vụ…). Có thể nói rằng, đây là nguyên nhân chủ quan chính ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Nghị quyết cần nghiêm túc rà soát, đánh giá, kiểm điểm lại trong thời gian đợt Sơ kết 3 năm này. 

Trong từng lĩnh vực cụ thể vẫn còn một số tồn tại, cần khắc phục, nhất là chưa đạt được 03 chỉ tiêu quan trọng về gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí và đầu tư ra nước ngoài (hiện nay chỉ tập trung xử lý các tồn tại trong giai đoạn trước, không có đầu tư mới nào ra nước ngoài trong 03 năm qua); một số mục tiêu chiến lược về phát triển hoá dầu, nhất là hoá dầu từ khí (tăng cường chế biến sâu từ khí), gia tăng dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu, phát triển nhiên liệu sinh học cũng chưa được thực hiện; các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí cũng như các dự án điện đều có những vướng mắc lớn, bị chậm tiến độ; 05 dự yếu kém vẫn chưa được xử lý triệt để; công tác dự báo, đánh giá thị trường chưa thực sự đảm bảo chất lượng; công tác cán bộ cũng còn một số lỗ hổng, sai sót (một phần cũng do giai đoạn trước để lại).

Các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp khí và chế biến dầu khí, công nghiệp điện đều tồn tại các vướng mắc về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ kịp thời. 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương  đã cho rằng, cần tập trung hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành dầu khí và các cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam theo Kết luận 41 của Bộ Chính trị, trọng tâm là hoàn thiện Luật Dầu khí, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật Quản lý vốn số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014) và Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 về quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí. Xem xét tổng thể các luật như: Luật Dầu khí, Luật Đầu tư 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng… để có quy định thống nhất giữa các văn bản pháp luật này vì hiện nay quy định liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án chưa có sự thống nhất.

Trong giai đoạn chờ sửa các luật, có thể nghiên cứu, sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết để xử lý cho kịp thời.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, cần sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 41 để trình Bộ Chính trị ban hành một Kết luận mới góp phần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của Tập đoàn cũng như của ngành dầu khí. PVN cần chuẩn bị tốt để báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ, đồng thời phối hợp Ban Kinh tế Trung ương trong công tác thẩm định.

Đối với những khó khăn, vướng mắc trong xử lý 5 dự án, doanh nghiệp yếu kém, cần có cách tiếp cận đúng, sớm có các kiến nghị để ban hành các chủ trương, chính sách cụ thể. Đối với một số vấn đề lớn, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp để báo cáo Bộ Chính trị sớm có chỉ đạo để tạo điều kiện cho PVN phát triển trong thời gian tới.

Hoàng Nam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục