Trước khi cấp bằng giả, Chủ tịch HĐQT Trường Đông Đô đã hỏi luật sư!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trả lời HĐXX về chủ trương cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua đào tạo, bị cáo Oanh khai: “Khi họp, ông Hùng nói đã tìm hiểu, tham khảo ý kiến của luật sư. Cùng lắm chỉ vi phạm hành chính. Các nhân viên chỉ thực hiện thì không có vấn đề gì”.
Bị cáo Trần Kim Oanh. Bị cáo Trần Kim Oanh.

Sáng 23/12, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả mạo.

10 bị cáo hầu tòa gồm Dương Văn Hòa (38 tuổi, cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô), Trần Kim Oanh (Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục), Lê Ngọc Hà (phó Viện trưởng Viện 4.0)… Các bị cáo cùng bị truy tố về tội Giả mạo trong công tác.

HĐXX đã triệu tập 200 người với tư cách nhân chứng. Nhưng tại tòa, HĐXX thay đổi tư cách tham gia tố tụng của họ là những người liên quan. Tuy nhiên phần lớn người liên quan vắng mặt. Đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng được triệu tập song có đơn xin vắng mặt.

Theo cáo trạng, mặc dù chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2 nhưng Trần Khắc Hùng (hiện đang bỏ trốn) đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT, chỉ đạo Ban giám hiệu và các phòng ban làm, cấp văn bằng 2 giả hệ chính quy ngành tiếng Anh cho người có nhu cầu.

Cáo trạng xác định, từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Trần Khắc Hùng và các bị cáo đã cấp 429 bằng giả và 2 giấy chứng nhận giả, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng.

Khai trước tòa, bị cáo Dương Văn Hòa thừa nhận cáo trạng truy tố là không oan. Quá trình điều tra, bị cáo không bị ép cung, nhục hình.

Bị cáo Hòa khai nhận, các thành viên tham gia HĐQT nhưng không góp vốn. Người góp vốn thành lập Trường Đại học Đông Đô là ông Trần Khắc Hùng và một số công ty. Bản chất chủ sở hữu nhà trường là ông Trần Khắc Hùng. Các thành viên tham gia HĐQT để nhà trường có đầy đủ ban bệ.

Bị cáo Hòa.

Bị cáo Hòa.

Vẫn theo lời khai của Hòa, bị cáo được bổ nhiệm chức hiệu trưởng từ tháng 6/2017. Trường Đại học Đông Đô có chủ trương đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh từ cuối năm 2017, đầu năm 2018, với học phí thấp nhất là 29 triệu đồng, cao nhất là 35 triệu đồng. Chủ trương cấp văn bằng 2 Tiếng Anh không qua đào tạo là do Trần Khắc Hùng quyết định và không thông qua HĐQT, ban giám hiệu mà chỉ đạo trực tiếp đến tất cả bị cáo. Chủ tọa hỏi: “Học viên cứ đủ tiền thì được cấp bằng thôi có đúng không”, Hòa đáp: “Vâng ạ."

”Việc cấp bằng không qua đào tạo có mã số riêng hay như nào?”, chủ tọa tiếp tục hỏi. Hòa trả lời: “Bị cáo không nắm được”.

Bị cáo Hòa cũng khai nhận không được bồi dưỡng và “hưởng tiền chênh lệch”. Bị cáo khai nhận bản thân đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ vụ án, thể hiện việc khai báo chi tiết, rõ ràng.

“Bị cáo tin tưởng anh Hùng vì anh Hùng nói cứ yên tâm làm đi, những vi phạm của trường không nguy hiểm lắm đâu, sau đó bị cáo mới biết là nghiêm trọng”.

Trong khi bị cáo Hòa không thừa nhận được hưởng lợi từ hành vi cấp bằng trái phép, bị cáo Trần Kim Oanh khai nhận có được hưởng lợi 48 triệu đồng. Bị cáo Oanh khai, theo quy định của nhà trường thì nhân viên được thưởng trên số lượng hồ sơ tuyển sinh là 7 triệu đồng/1 hồ sơ.

Trả lời HĐXX về chủ trương cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua đào tạo, bị cáo Oanh khai: “Khi họp, ông Hùng nói đã tìm hiểu, tham khảo ý kiến của luật sư. Cùng lắm chỉ vi phạm hành chính. Các nhân viên chỉ thực hiện thì không có vấn đề gì”.

Tuy nhiên, bị cáo Oanh thừa nhận hành vi phạm tội. “Bị cáo làm công ăn lương, là nhà giáo cống hiến 20 năm trong ngành, mong muốn được đóng góp cho sự phát triển của trường. Bị cáo nhận thức chưa tìm hiểu rõ ràng nên xảy ra sai phạm. Bị cáo xin lỗi gia đình, sinh viên…”, bị cáo Oanh nói thêm.

Đối chất với lời khai của bị cáo Oanh, bị cáo Hòa cho rằng, có chủ trương chi thưởng nhưng bị cáo không được hưởng lợi.

“Vậy bị cáo có được lợi gì không?”, HĐXX hỏi. Hòa đáp: Bị cáo không hưởng lợi ạ. “Không hưởng lợi phải được gì chứ”, tòa tiếp tục vặn hỏi. Hòa thưa: “Bị cáo là hiệu trưởng, nếu không làm thì bị đuổi việc”.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục