Trung thực với thị trường, Fed có lặp lại sai lầm?

(ĐTCK) Nhiều nhà kinh tế cho rằng, việc Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho biết khoảng thời gian giữa việc nâng lãi suất cơ bản và kết thúc chương trình nới lỏng định lượng (QE) có thể là 6 tháng chỉ là một phát biểu tức thời, thậm chí, nhiều người gọi đó là sai lầm của một người mới nhậm chức.
Trung thực với thị trường,  Fed có lặp lại sai lầm?

Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì điều đó cũng cho thấy một cách rõ ràng hơn về quan điểm chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ.

Theo Millan Mulraine, chuyên gia đến từ TD Securities, dựa trên những nhận định này, nếu như QE kết thúc vào mùa thu năm nay thì lãi suất sẽ bắt đầu được nâng lên vào mùa hè năm 2015. Không rõ liệu có phải bà Yellen muốn thị trường hãy bắt đầu nghĩ về việc lãi suất sẽ được nâng lên vào giữa năm sau hay không, nhưng nhà đầu tư đã suy ra điều đó từ những lời phát biểu của bà.

“Có vẻ như là bà Yellen muốn giao tiếp minh bạch và trung thực với thị trường”, ông Mulraine phát biểu. “Tôi cho rằng, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc về ý nghĩa trong thông điệp chính sách đó”.

Minh bạch luôn là một con dao 2 lưỡi đối với các ngân hàng trung ương, tuy nhiên, bà Yellen, người vừa giữ chức Chủ tịch Fed từ 1/2 cho rằng, còn cần phải làm nhiều hơn thế.

Khi còn giữ chức Phó chủ tịch Fed hồi cuối tháng 4 năm ngoái, bà Yellen từng cho rằng, thời gian để nâng lãi suất lên cao hơn đang đến gần. Bà cũng từng phát biểu, việc Ủy ban Thị trường mở kết nối một cách rõ ràng với thị trường về việc tỷ lệ lãi suất liên bang sẽ được điều chỉnh như thế nào sẽ ngày càng trở nên quan trọng.

Tuy nhiên, minh bạch quá nhiều có thể dẫn đến rủi ro, như người tiền nhiệm Ben Bernanke cũng đã nhận ra chỉ sau vài tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Bernanke từng nhận xét, thị trường đã sai lầm khi cho rằng Fed sẽ thực hiện tăng lãi suất. Bình luận này ngay sau đó đã khiến các thị trường trái phiếu và chứng khoán suy giảm và giá đồng đô la tăng lên.

Phát biểu của bà Yellen trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhận chức cũng gây ra một phản ứng tương tự. Chỉ số S&P 500 giảm khoảng 0,9% trong vòng 10 phút, trái phiếu bị bán tháo và đồng USD nhảy vọt khi bà Yellen công khai chính sách của Fed, rằng  lãi suất có thể sẽ ở mức thấp trong “một thời gian đáng kể” sau khi chương trình nới lỏng định lượng kết thúc. Cụ thể, đồng USD đã tăng so với 14/16 đồng tiền chủ chốt và tăng lên mức cao nhất 2 tuần so với đồng euro với mức tăng 0,4% lên 1,3779 USD/EUR. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Mỹ đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2014, làm tăng sức hút của các tài sản dự trữ bằng USD.

Trong khi nhiều người xem phát biểu của bà Yellen là một sai lầm, thì Michael Feroli, nhà kinh tế của JPMorgan cho biết, việc bà cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình trên cương vị Chủ tịch Fed một cách trung thực là một việc làm hoàn toàn chính đáng.

“Nếu ý nghĩa của cụm từ ‘một khoảng thời gian đáng kể’ tương đương với 6 tháng, thì bà Yellen cần phải chuyển tải điều đó đến thị trường”, ông này cho biết.

Dù vậy, việc bà Yellen cố gắng nêu rõ khoảng cách giữa thời điểm Fed chấm dứt hoàn toàn chương trình mua tài sản và lần nâng lãi suất đầu tiên cũng mở ra cho thị trường về xu hướng chính sách sắp tới của Fed.

Các nhà kinh tế nhận ra rằng, 6 tháng là khoảng cách ngắn hơn rất nhiều so với những dự đoán trước đó là vào nửa cuối năm 2015. Điều đó có nghĩa rằng, Fed đã hành động mạnh tay hơn so với dự đoán. Nói cách khác, Fed đã sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ. Cần nhớ rằng, Fed vẫn dùng những chỉ số tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp để định hướng chính sách tiền tệ. Về cơ bản, nếu tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát lần lượt đi qua những mốc 6,5% và 2,5%, thị trường cần chuẩn bị cho trường hợp Fed sẽ sớm nâng lãi suất.

Trong cuộc họp chính sách tuần trước, Fed cũng quyết định bãi bỏ chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp 6,5% cho lần nâng lãi suất đầu tiên và cho biết sẽ xem xét nhiều nhân tố hơn nữa, trong đó có tỷ lệ lạm phát và hoạt động tạo công ăn việc làm, trước khi đưa ra lộ trình mới.

Bên cạnh việc đưa ra khung thời gian cho kế hoạch nâng lãi suất cơ bản, trước đó, Fed cũng cho biết sẽ cắt giảm quy mô chương trình thu mua trái phiếu kho bạc hàng tháng từ 65 tỷ USD hiện nay, xuống còn 55 tỷ USD. Việc thu hẹp quy mô chương trình này, vốn có giá trị ban đầu là 85 tỷ USD mỗi tháng, đã được bắt đầu thực hiện kể từ cuối năm ngoái.

Fed đã giữ lãi suất cận 0% kể từ cuối năm 2008 và bơm hơn 3.000 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua các gói nới lỏng định lượng, giúp chỉ số S&P 500 tăng 178%. Vì thế, quyết định cắt giảm lượng tiền bơm ra thị trường và có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến của Fed đã khiến các nhà đầu tư lo ngại, thị trường hoang mang. Theo các chuyên gia, động thái này làm giảm kỳ vọng cung thanh khoản đồng USD trong tương lai, khiến nguồn vốn đầu tư đã đổ vào các thị trường mới nổi trước đây có xu hướng bị rút bớt và quay trở lại Mỹ.

Hợp Trang(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục