Bên cạnh đó, dữ liệu này cũng cho thấy, xác suất vỡ nợ của nhóm công ty đang niêm yết ở Mỹ đã nhảy vọt trên 40% vào đầu tháng Tư so với mức dưới 10% vào cuối tháng 2, dựa trên biến động giá cổ phiếu và các yếu tố rủi ro khác. Các nhà vận hành chuỗi trung tâm thương mại bao gồm cả Macy và J.C.Penney có xác suất vỡ nợ cao nhất, lên tới 42,1% kể từ ngày 7/4.
Xếp sau chuỗi trung tâm thương mại về khả năng vỡ nợ là khách sạn, resort nghỉ dưỡng và du thuyền.
Các ngành công nghiệp có tỷ lệ vỡ nợ thấp nhất bao gồm các doanh nghiệp bán mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và những sản phẩm dành cho hộ gia đình.
Theo báo cáo của Cowen & Co. vào cuối tháng trước cho biết, các trung tâm thương mại của Mỹ chỉ có thể chịu đựng nhiều nhất là 8 tháng đóng cửa trước khi những khó khăn về thanh khoản bắt đầu gia tăng.
Nordstrom cũng cho biết, tình hình tài chính của doanh nghiệp mình có thể trở nên khó khăn nếu các cửa hàng tiếp tục duy trì như tình trạng hiện tại trong đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chuỗi trung tâm thương mại có trụ sở tại Seattle cho biết, đại dịch cho đến nay đã có một tác động đáng kể đến việc kinh doanh của họ.
Trong khi đó, Macy đã bị loại khỏi S&P 500 vào tháng này và bị thay thế bởi Carrier Global (công ty sản xuất hàng gia dụng). Vốn hóa của Macy giảm từ 6 tỷ USD từ giữa tháng Hai về 2,1 tỷ USD trong ngày 9/4. Nhóm cổ phiếu thuộc mảng trung tâm thương mại chịu thiệt hại đáng kể trên sàn chứng khoán khi vốn hóa liên tục bốc hơi trong thời gian vừa qua.
Cổ phiếu Macy đã giảm hơn 64% trong năm nay, cổ phiếu Penny giảm gần 70% đưa vốn hóa doanh nghiệp này về 110,7 triệu USD. Nordstrom, với mức vốn hóa thị trường khoảng 3,3 tỷ USD cũng sụt giảm 50% trong năm nay. Kohl, với mức vốn hóa thị trường là 3,1 tỷ USD cũng đã chứng kiến cổ phiếu mình giảm khoảng 62% từ đầu năm đến nay.
Ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện, các công ty này cũng đang chật vật để tìm chỗ đứng. Mùa lễ vừa qua, doanh số của các trung tâm thương mại đã giảm 1,8% từ ngày 1/11 đến ngày 24/12, theo Mastercard Spending Pulse.
Số lượng người đi đến mua sắm tại các trung tâm thương mại ngày một giảm khi ngày càng có nhiều thương hiệu trong các trung tâm thương mại này như Nike, Levi Strauss, Kate Spade đã đầu tư vào các cửa hàng và trang web để bán trực tiếp cho người tiêu dùng mà không cần thông qua các trung tâm thương mại.
Việc các trung tâm thương mại tạm thời đóng cửa sẽ khiến doanh số sụt giảm mạnh trong năm 2020. Một số trung tâm thương mại đã được đóng cửa để cắt giảm chi phí.
Neiman Marcus được cho là đang tiến hành từng bước chuẩn bị để tìm kiếm các phương án bảo hộ phá sản. Nếu đều đó xảy ra, đây cũng không phải là doanh nghiệp đầu tiên. Năm 2018, Sears đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, nhưng nó vẫn đang gặp khó khăn, còn Bon-Ton đã buộc phải thanh lý cùng năm đó.