Trung tâm tài chính quốc tế: Xây xong rồi, nhưng chúng ta phải làm sao để nhiều bạn bè đến chơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam cần nhanh chóng tạo dựng những hạ tầng mềm là các quy định, các chính sách khuyến khích... nhằm thu hút nhà đầu tư và cộng đồng doanh nhân.

Tại Toạ đàm “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính” do Thời báo Ngân hàng tổ chức sáng nay (ngày 16/4), ông Ryu Je Eun, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã chia sẻ thông tin về hai trung tâm tài chính quốc tế (IFC) của Hàn Quốc đặt tại Seoul và Busan.

Cụ thể, Seoul là nền tảng dịch vụ tài chính và Busan tập trung vào hàng hải vì đây là thành phố cảng. Hàn Quốc đã có những ưu đãi cho các công ty trong IFC như giảm giá thuê nhà, thuế ưu đãi; cung cấp các dịch vụ chất lượng cao; các quy định về cư trú thông thoáng để đảm bảo chuyên gia nước ngoài và gia đình của họ dễ dàng đến làm việc và sinh sống…

Theo chuyên gia kinh tế Richard D. McClellan - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của RMAC Advisory, LLC, các quốc gia thành công không phải vì sao chép mô hình của nhau, mà vì họ xây dựng được mô hình phù hợp với nhu cầu riêng và nhận được sự tin cậy từ các đối tác quốc tế. Lòng tin đó được xây dựng theo thời gian - không đến từ sắc lệnh hay tuyên bố, mà từ việc nhà đầu tư cảm thấy đủ tin tưởng để rót vốn thực sự vào hệ thống.

Ông Richard D. McClellan nhấn mạnh: “Khi nhà đầu tư đến trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, cần phải hiểu họ không phải đến Việt Nam mà là đến một trung tâm tài chính quốc tế. Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cần phải nêu rõ được mục tiêu và mục đích xây dựng hai trung tâm này, hay nói cách khác, cần phải trả lời câu hỏi tại sao lại chọn hai trung tâm tài chính quốc tế tại nơi đây".

Cũng theo ông Richard D. McClellan, mỗi thành phố có chiến lược phát triển khác nhau sẽ đưa ra những sản phẩm khác nhau. TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng về lâu dài và toàn diện với nền tảng sâu rộng, còn Đà Nẵng có tính linh hoạt, đổi mới sáng tạo đóng vai trò thử nghiệm. Trung ương cần tạo không gian cởi mở, khuyến khích TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nhằm thúc đẩy sự phát triển của trung tâm tài chính quốc tế tại những khu vực này.

“Càng quá chặt chẽ sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài ví dụ như quy định không mang tiền khỏi Việt Nam trong 5 năm đầu tiên sẽ khiến nhà đầu tư không chờ đợi được và điều này cũng có nghĩa Việt Nam sẽ tự đóng cơ hội của mình”, ông Richard D. McClellan nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nói: “Chính phủ phải cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro thị trường, bảo vệ nhà đầu tư. Thấy rủi ro nhiều mà lại kiểm soát chặt thì không có đổi mới sáng tạo”.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) nêu quan điểm, điều quan trọng với Việt Nam là song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cần nhanh chóng tạo dựng những hạ tầng mềm, đó là các quy định, các chính sách khuyến khích, các thị trường và sàn giao dịch cụ thể như sàn giao dịch tiền số, sàn giao dịch hàng hóa... và sản phẩm mua bán trên đó nhằm thu hút nhà đầu tư và cộng đồng doanh nhân.

“Hình dung đơn giản, cũng giống như một ngôi nhà, chúng ta xây xong rồi, nhưng chúng ta phải làm sao để nhiều bạn bè đến chơi”, TS. Đức nói.

Còn bà Trương Thị Thu Ba, Phó giám đốc Ban Định chế tài chính BIDV cho rằng, để hoạt động và vận hành được trung tâm tài chính quốc tế phải ổn định, minh bạch và có tính tương thích quốc tế cao.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khôi, Trưởng Phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường VietinBank cho rằng, phải đa dạng hóa sản phẩm tài chính và từng bước tiệm cận với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, cần khuyến khích và hỗ trợ phát triển các sản phẩm tài chính mới, công cụ phái sinh và các sản phẩm đầu tư sáng tạo, giúp tăng tính linh hoạt và chiều sâu cho thị trường.

“Đẩy mạnh các điều kiện nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán, đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số… tiệm cận mô hình của các trung tâm tài chính quốc tế”, ông Khôi nói.

Được biết, tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định, việc xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, kết nối Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới và nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhận thức được việc phát triển thị trường vốn và thị trường tiền tệ - ngân hàng là những cấu phần quan trọng mang tính nền tảng để tạo lập các Trung tâm tài chính, thời gian qua, NHNN đã và đang nghiên cứu để triển khai các chính sách và lộ trình áp dụng về hoạt động ngoại hối, phát triển thị trường tiền tệ, ngân hàng... trong Trung tâm tài chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài; hướng tới phát triển Trung tâm tài chính vừa đáp ứng các chuẩn mực quốc tế vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. NHNN sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành phân tích, đánh giá tác động các chính sách ưu đãi đột phá, đưa ra các cách thức quản lý, điều hành phù hợp.

“Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ quốc gia luôn là ưu tiên hàng đầu. Thu hút đầu tư nước ngoài phải đi đôi với việc bảo đảm an toàn - an ninh tài chính quốc gia”, bà Hồng khẳng định.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục