Theo ông Thiên, những năm qua, Top 5 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam hầu như ít có sự góp mặt của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2017, bảng xếp hạng đã có sự thay đổi lớn, trong đó Singapore đứng thứ nhất với tổng số vốn đầu tư 881,6 triệu USD, Trung Quốc đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 721,7 triệu USD, Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 637,1 triệu USD.
Năm 2017, Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam qua hai hình thức rót vốn thực hiện dự án và mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam. Các nhà đầu tư Trung Quốc thường chú trọng đến các dự án sản xuất xơ sợi, nhựa…
Trong 2 tháng qua, nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký thực hiện 123 dự án tại Việt Nam và 174 lượt mua cổ phần, chiếm 21,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Một số dự án tiêu biểu như dự án sản xuất Polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam (220 triệu USD tại Tây Ninh); dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và nhà máy nhựa Khải Hồng Việt (150 triệu USD tại Bắc Giang)…
“Dòng đầu tư của Trung Quốc tăng đột biến vào Việt Nam sẽ tác động như nào đến nền kinh tế về dài hạn? Thách thức đối với Việt Nam về việc tiếp nhận công nghệ không tiên tiến, tác động về môi trường như thế nào? Hay câu chuyện mở cửa du lịch với du khách hàng Trung Quốc, chúng ta muốn phát triển du lịch đẳng cấp hay là du lịch số lượng?... Những vấn đề này đã, đang diễn ra và chúng ta cần phải có những giải pháp cụ thể để giải quyết”, ông Thiên nói.
Năm 2017, Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam qua hai hình thức rót vốn thực hiện dự án và mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam
Cùng với việc phân tích dòng vốn đầu tư đang có sự thay đổi, ông Thiên cũng chia sẻ những diễn biến mới của nền kinh tế thế giới.
Theo ông Thiên, dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nền kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu cải thiện tích cực, trong khi nền kinh tế EU và Hàn Quốc lại đang gặp những vấn đề khó khăn.
Ngoài ra, sự phát triển của nền kinh tế chung còn một điểm đáng chú ý là cuộc đại di cư của các triệu phú thế giới.
Năm 2016, có 82.000 triệu phú di cư, tăng 28% so với năm 2015. ÚC và Canada là những điểm đến hấp dẫn của các triệu phú này, trong khi các quốc gia ngày càng kém hấp dẫn với các nhà triệu phú là Pháp, Trung Quốc, Brazil.
“Cũng cần có những ghi nhận đánh giá xem các triệu phú Việt Nam có di cư không và điểm đến là các quốc gia nào”, ông Thiên nói.
Năm 2016, có 82.000 triệu phú di cư, tăng 28% so với năm 2015. ÚC và Canada là những điểm đến hấp dẫn của các triệu phú này.
Chia sẻ tại hội nghị về những chuyển động mới của nền kinh tế thế giới sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, dù TPP có được thực thi hay không thì những cải cách mà chúng ta đã cam kết khi tham gia TPP chính là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế để phát triển.
"Doanh nghiệp cũng không nên quá thất vọng nếu TPP không thành hiện thực".
Theo ông Lịch, năm 2017, kinh tế Việt Nam sẽ không tăng trưởng đột biến, nhưng cũng không có tác động khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các chỉ tiêu đã đề ra cơ bản sẽ hoàn thành.
“Việt Nam có phát triển hay không vẫn là do nội lực trong nước và cải cách đồng bộ. Chúng ta mong chờ một thể chế đồng bộ hơn từ hệ thống hành chính công. Ngoài ra, tôi hy vọng kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ thông qua được luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là bộ luật quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của phong trào khởi nghiệp phát triển”, ông Lịch nhìn nhận.