Trung Quốc “vỡ trận” cam kết thương mại với Mỹ

Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ nhóm họp trực tuyến cuối tuần này (ngày 15/8) nhằm đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau gần 6 tháng có hiệu lực.
Trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu chưa đầy 1/4 giá trị cam kết nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Ảnh: AFP

Thất hứa

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 được xem là thỏa thuận đình chiến mà hai bên chấp thuận ngưng trả đũa thuế quan lên hàng tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu của nhau tính từ giữa năm 2018.

Một trong những mục đích cốt lõi của thỏa thuận này là nhằm tháo gỡ các vấn đề xoay quanh việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ và ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ. Trọng tâm của thỏa thuận là Trung Quốc cam kết chi thêm ít nhất 200 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ trong năm 2020 và 2021, so với giá trị nhập khẩu từ Mỹ năm 2017.

Trước khi thỏa thuận được ký kết, nhiều chuyên gia đánh giá, việc Trung Quốc cam kết tăng thêm 200 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ là cam kết phi thực tế. Cam kết này càng khó thực hiện khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc, sau đó lan rộng ra toàn cầu và Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Theo thỏa thuận thương mại với Mỹ, năm 2020 Trung Quốc cam kết chi thêm 63,9 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm chế tạo, nông sản và năng lượng và 12,8 tỷ USD cho dịch vụ từ Mỹ so với năm 2017. Sang năm 2021, Bắc Kinh sẽ chi thêm 98,2 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa theo 3 danh mục trên và 25,1 tỷ USD cho dịch vụ.

Số liệu thương mại chính thức của cả hai bên sẽ là thước đó xác định liệu các cam kết mua hàng của Trung Quốc có được thực hiện đầy đủ không, theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tuy nhiên, số liệu thống kê xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc thường không ăn khớp với kim ngạch hàng hóa Bắc Kinh nhập từ Washington, một phần do sự khác biệt về phương pháp và tiêu chuẩn thống kê.

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung Quốc cần phải chi tổng cộng 142,7 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa Mỹ vào nay đến cuối năm để hoàn thành cam kết theo thỏa thuận với Mỹ, nếu tính theo số liệu xuất khẩu của Mỹ. Còn chiểu theo cách thống kê của mình, Bắc Kinh sẽ phải chi 172,7 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, theo nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Theo số liệu thống kê của cả hai bên và dữ liệu do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tổng hợp, trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc mới nhập khẩu chưa đầy 1/4 giá trị cam kết nhập khẩu từ Mỹ, dù dữ liệu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson không tính đến giá trị dịch vụ Bắc Kinh mua từ Washington do giá trị dịch vụ không được phản ánh trong các báo cáo tháng.

Thỏa thuận có thể vẫn được duy trì

Phân tích các chủng loại hàng nhập khẩu, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận thấy Trung Quốc còn lâu mới thực hiện đủ các cam kết mua hàng từ Mỹ. Soi số liệu thống kê 6 tháng đầu năm, các mặt hàng năng lượng là mặt hàng ít tiến triển nhất trong danh mục hàng hóa Trung Quốc cam kết nhập khẩu từ Mỹ.

Bất chấp sự chậm trễ thực thi cam kết của Bắc Kinh, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Larry Kudlow, đầu tuần này cho rằng giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập từ Mỹ vẫn là "những con số thực sự tốt".

Cố vấn Kudlow cũng phủ nhận khả năng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 sẽ bị hủy bỏ do quan hệ song phương gần đây xấu đi. Căng thẳng Mỹ - Trung liên tục leo thang trong những tháng gần đây khi hai bên xung đột về một loạt vấn đề từ việc kiểm soát đại dịch Covid-19 đến quyền tự trị của Hong Kong.

Các nhà quan sát nhận định, sẽ không hề có lợi cho Mỹ nếu kích hoạt cuộc chiến thuế quan mới với Trung Quốc giữa lúc nền kinh tế lớn nhất thế giới đang "lâm bệnh" vì Covid-19.

“Họ (Mỹ) có thể tự kiềm chế dưới bất kỳ động thái nào trên mặt trận thương mại”, Kelvin Tay, Giám đốc đầu tư khu vực tại Quỹ quản lý tài sản toàn cầu UBS bình luận. “Đừng quên nếu (Mỹ) tăng thuế quan, đồng nghĩa sẽ tác động tồi tệ lên nền kinh tế Mỹ... Điều này cũng ảnh hưởng đến Trung Quốc khi nền kinh tế này mới chớm hồi phục trong quý II/2020,” ông Tay nói thêm.

Nhà đầu tư và giới quan sát đang trông đợi kết quả cuộc họp trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1. Theo ông Ray Attrill, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Australia, nhiều khả năng chính quyền Trump không muốn hủy thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ vì lo ngại ảnh hưởng đến cử tri nông thôn ở miền Trung Tây nước Mỹ.

Các chuyên gia khác tin rằng, người đứng đầu Nhà Trắng rất muốn thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 "thành công" trước thềm bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Trái lại, có ý kiến cho rằng rất có thể ông Trump sẽ áp dụng chính sách cứng rắn với Trung Quốc trước thềm bầu cử.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục