Theo thông cáo được đăng trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, để đáp lại việc Washington khống chế số lượng và trục xuất một số nhà báo Trung Quốc tại Mỹ, Bắc Kinh yêu cầu các nhà báo là công dân Mỹ làm việc cho tờ New York Times, The Washington Post và The Wall Street Journal có thẻ hành nghề hết hạn trong năm 2020 phải nộp lại trong vòng 10 ngày.
Các nhà báo này sẽ không được phép tác nghiệp tại Trung Quốc, bao gồm cả ở các đặc khu hành chính Hồng Kông và Ma Cao.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng yêu cầu VOA, các tờ báo The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal và Tạp chí Times phải cung cấp thông tin bằng văn bản về nhân sự, tình hình tài chính, tất cả các hoạt động tại Trung Quốc.
“Bắc Kinh sẵn sàng trả đũa nếu Mỹ tiếp tục đàn áp truyền thông Trung Quốc tại Mỹ”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.
Theo cơ quan này, hành động của phía Mỹ đối với truyền thông Trung Quốc dựa trên tư duy chiến tranh lạnh và định kiến tư tưởng, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của truyền thông Trung Quốc.
"Trung Quốc kêu gọi phía Mỹ sửa chữa sai lầm, ngừng gây áp lực chính trị và áp đặt hạn chế vô lý đối với truyền thông Trung Quốc. Nếu phía Mỹ đi sai đường, phía Trung Quốc sẽ có biện pháp đối phó quyết liệt hơn nữa", Bộ Ngoại giao tuyên bố.
Sau động thái nói trên của Trung Quốc, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Bắc Kinh đã tước đoạt thông tin của thế giới và người dân Trung Quốc trong khoảng thời gian đầy thử thách do dịch bệnh Covid-19 gây ra hiện tại.
"Tôi lấy làm tiếc về quyết định của Bắc Kinh. Vào thời điểm khó khăn này, người dân Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc chia sẻ thông tin minh bạch. Tôi hy vọng, Bắc Kinh xem xét lại quyết định của mình”, ông Pompeo phát biểu trước báo giới.
Nói về quyết định trục xuất một số nhà báo Trụng Quốc vào hồi đầu tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ cho biết, những người bị trục xuất không phải là nhà báo, đây là những người đang làm việc cho cơ quan truyền bá của chính quyền Trung Quốc.
Vào đầu tháng 3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu 4 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc sẽ chỉ được tuyển dụng tổng số 100 công dân Trung Quốc để làm việc tại Mỹ, giảm hơn từ con số 160 trước đó. Số nhận sự bị sa thải buộc phải quay về Trung Quốc.
4 cơ quan truyền thông chịu tác động bởi quy định mới từ phía Mỹ này bao gồm Tân Hoa Xã, kênh truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), kênh radio quốc tế Trung Quốc (CRI) và China Daily Distribution Corp.
Quy định hạn chế trên bắt nguồn từ việc chính quyền Tổng thống Trump muốn khôi phục sự công bằng giữa cách hành xử của giới chức Trung Quốc và Mỹ với các nhà báo. Hiện nay, Trung Quốc chỉ cho phép 100 nhà báo Mỹ hoạt động tại Trung Quốc và cũng hạn chế cấp visa cho những nhà báo nước ngoài vào Trung Quốc.
Tháng trước, Trung Quốc đã đuổi 3 nhà báo của Wall Street Journal, trong đó bao gồm 2 người Mỹ và 1 người Australia.