Giới chức trách Trung Quốc hôm 28-7 công bố thêm một số chi tiết về cách thức mà Công ty Nghiên cứu Kỹ thuật sinh học Trường Sinh (gọi tắt là Trường Sinh) - nhà sản xuất vắc-xin đang là tâm điểm trong cuộc khủng hoảng y tế công cộng tồi tệ nhất Trung Quốc nhiều năm qua - sản xuất các sản phẩm bị phát hiện sử dụng nguyên liệu quá hạn sử dụng và tiến hành thí nghiệm trên chuột sai thời điểm.
Giả dữ liệu
Hãng thông tấn Tân Hoa xã dẫn lời đội điều tra cho biết công ty Trường Xuân vừa bị phanh phui sản xuất vắc-xin bệnh dại và DPT (bạch hầu, ho gà và uốn ván) không đạt chuẩn, còn làm giả dữ liệu sản xuất và hồ sơ liên quan đến chuột thí nghiệm.
Các nhà điều tra chính phủ đã được lệnh phải làm tới nơi tới chốn vụ việc này từ đầu tuần nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng.
Tân Hoa xã cho biết: "Công ty đã không tổ chức sản xuất theo quy trình được quy định để cắt giảm chi phí và nâng cao tỷ lệ thành công trong việc chế tạo vắc-xin phòng bệnh dại".
Quy định của nền công nghiệp vắc-xin đòi hỏi một lô vắc-xin phải được sản xuất theo một quy trình liên tục nhưng đội điều tra phát hiện Trường Sinh đã vi phạm điều đó.
Cuộc điều tra, tập trung vào vắc-xin bệnh dại, phát hiện Trường Sinh đã pha trộn các thành phần hoạt tính được sản xuất vào những thời điểm khác nhau.
Một số lô được xác định đã hết hạn sử dụng và một số lô bị trộn lẫn vào nhau, sau đó tiến hành tái chiết xuất và tinh chế.
Theo quy định, các thí nghiệm trên chuột phải được thực hiện sau khi quá trình sản xuất kết thúc. Tuy nhiên, tại Trường Sinh, hoạt động này đã được tiến hành trong quá trình sản xuất các thành phần hoạt tính.
Để che đậy những vi phạm này, công ty đã làm giả hồ sơ sản xuất và thử nghiệm, đồng thời tạo các hóa đơn chứa thông tin sai lệch về thời điểm mua chuột thử nghiệm.
Tuy nhiên,Tân Hoa xã dẫn thông tin từ giới chức cơ quan kiểm soát bệnh tật chỉ rõ chỉ 0,002% người được chủng ngừa bệnh dại bằng vắc-xin của Trường Sinh có các tác dụng không mong muốn và không ai trong số đó có triệu chứng nghiêm trọng.
Công ty này trước đó cho biết họ đã sản xuất khoảng 3,5 triệu liều vắc-xin bệnh dại vào năm ngoái.
Trong năm 2017, tổng cộng 516 ca mắc bệnh dại được ghi nhận ở Trung Quốc, giảm so năm trước, theo bản tin trên.
Ghê tởm
Giới chức y tế Trung Quốc trước đó cũng khẳng định số vắc-xin liên quan đến vụ bê bối có hiệu quả kém nhưng không gây hại.
Trụ sở công ty Trường Sinh tại tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Tuy vậy, theo chuyên gia vắc-xin Tao Lina ở Thượng Hải, thật "điên rồ" khi công ty đã cắt bỏ một số quy trình để tiết kiệm tiền. Vị chuyên gia cũng cho rằng loại vắc-xin kém chất lượng này vẫn có thể gây tác động.
"Tiêm loại vắc-xin như vậy giống như ăn thức ăn được nấu bằng 'dầu cống rãnh' - nó có thể không gây hại rõ ràng cho sức khỏe nhưng nó thật ghê tởm và tạo ra cảm giác tồi tệ"- ông nói thêm.
Việc sản xuất vắc-xin bệnh dại bất hợp pháp của Trường Sinh bị phát giác sau khi cơ quan quản lý nhà nước tiến hành kiểm tra mà không báo trước vào đầu tháng này.
Cơ quan chức năng đã thu hồi giấy phép sản xuất vắc-xin phòng bệnh dại đối với Trường Sinh sau khi phát hiện công ty làm giả số liệu về việc sản xuất khoảng 113.00 liều vắc-xin này.
Truyền thông Trung Quốc sau đó phát hiện một mẫu kiểm tra hồi tháng 11-2017 cũng cho thấy Trường Sinh và Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán (WIBP) đã sản xuất tổng cộng hơn 650.000 liều vắc-xin DPT kém chất lượng.
Phần lớn số vắc-xin đó đã được tiêm cho trẻ em, trong đó có nhiều bé chỉ mới ba tháng tuổi, ở Trùng Khánh, Hà Bắc và Sơn Đông. Điều này khiến nhiều phụ huynh không khỏi hoảng sợ.
Hiện chưa có thông tin gì về án phạt đối với WIBP. Một tuyên cáo từ trang web của Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm TP Vũ Hán nói rằng doanh nghiệp này đã bị phạt và mọi khoản doanh thu có được từ số vắc-xin có vấn đề đã bị thu giữ. Tuy nhiên, những con số cụ thể không được công bố.
Trong khi đó, 15 quản lý và nhân viên của Trường Sinh đã bị cảnh sát bắt giữ, trong đó có Chủ tịch của Trường Sinh, ông Gao Junfang.
Niêm yết tại sàn chứng khoán Thâm Quyến, công ty có giá trị vốn hóa thị trường hơn 2 tỉ USD này đang đối mặt với nguy cơ ngày càng cao là bị hủy niêm yết trên sàn sau khi cơ quan quản lý về chứng khoán của Trung Quốc thay đổi các quy định về việc hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán đại lục gần đây.