Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cam kết hỗ trợ Thượng Hải và Hồng Kông trở thành các trung tâm tài chính khi thực hiện bước tiếp theo trong quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại xuyên biên giới đã tăng mạnh trong tám tháng đầu năm nay khi Trung Quốc thúc đẩy đồng nhân dân tệ đóng vai trò lớn hơn trong kinh doanh toàn cầu.
Cụ thể theo PBOC, tổng thanh toán và thu bằng nhân dân tệ xuyên biên giới đã tăng 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 41,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (5,9 nghìn tỷ USD) từ tháng 1 đến tháng 8.
PBOC cho biết thanh toán và thu bằng nhân dân tệ xuyên biên giới cho thương mại hàng hóa từ tháng 1 đến tháng 8 chiếm 26,5% tổng số thanh toán, bao gồm cả ngoại tệ.
Theo báo cáo, Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) cho biết tỷ trọng giao dịch toàn cầu của đồng nhân dân tệ là 4,69% vào tháng 8, giảm nhẹ so với mức 4,74% vào tháng 7. Nhưng đây là tháng thứ 10 liên tiếp đồng nhân dân tệ có tỷ lệ trên 4%, đồng tiền này cũng giữ vị trí thứ tư trong số các loại tiền tệ trong thanh toán quốc tế.
Đô la Mỹ là đồng tiền chủ đạo trong thanh toán, đầu tư và dự trữ trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Trong khi đó, việc sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn trong thương mại toàn cầu được xem là cách để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng chính trị của mình.
"Trong bước tiếp theo, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường sắp xếp hệ thống cơ bản về việc sử dụng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới", PBOC cho biết trong báo cáo ngày 30/9.
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ Thượng Hải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng như một trung tâm tài chính quốc tế, ủng hộ sự phát triển của thị trường nhân dân tệ ở nước ngoài và sẽ củng cố và nâng vai trò của Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế", PBOC cho biết.
Trong tám tháng đầu năm nay, các khoản thanh toán bằng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới từ Trung Quốc chiếm 53% tổng số, tiếp theo là Singapore với 9,8% và Anh với 5,9%.
Trong đó, Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến tiếp tục chiếm ba vị trí hàng đầu của Trung Quốc về các khoản thanh toán trong giai đoạn này, lần lượt chiếm 46,4%, 20,1% và 7,3%.
"Bên cạnh đồng tiền mạnh, các yếu tố khác như ngân hàng trung ương, các cơ quan quản lý tài chính, các trung tâm tài chính quốc tế và một đội ngũ nhân tài là cần thiết để toàn bộ hệ thống quốc tế hóa đồng nhân dân tệ hoạt động", hãng thông tấn China News Service trích lời E Zhihuan, phó chủ tịch Viện nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc cho biết.
Báo cáo của PBOC cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với 31 quốc gia thành viên theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, với 19 quốc gia đưa ra các thỏa thuận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Báo cáo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các ngân hàng trung ương trên thế giới đã nắm giữ tổng cộng 245,2 tỷ USD dự trữ đồng nhân dân tệ tính đến quý II năm nay, giảm 0,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong một phân tích trên trang web, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết để phát triển đồng nhân dân tệ thành một loại tiền tệ dự trữ quốc tế, Trung Quốc phải mở tài khoản vốn của mình để các quốc gia có thể dễ dàng mua và bán tiền tệ này trên thị trường quốc tế.
"Chừng nào tài khoản vốn của Trung Quốc chưa mở hoàn toàn, đồng nhân dân tệ khó có thể trở thành loại tiền tệ thống trị và vẫn cần được hỗ trợ bằng đô la…Nhưng với sự trợ giúp của các giao dịch thương mại, các kênh hoán đổi tiền tệ và thị trường nước ngoài, đồng nhân dân tệ có thể đạt được vai trò quan trọng hơn", báo cáo cho biết.