Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn khi từ bỏ chính sách Zero Covid, nhưng có lợi ích lâu dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Trung Quốc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế Covid cuối cùng có thể khiến số ca nhiễm tăng mạnh và gây ra khó khăn cho nền kinh tế trong quý I/2023, nhưng sẽ tạo đà để tăng trưởng phục hồi nhanh và mạnh hơn vào cuối năm.
Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn khi từ bỏ chính sách Zero Covid, nhưng có lợi ích lâu dài

Theo Bloomberg, việc Trung Quốc dỡ bỏ những hạn chế Covid cuối cùng có thể khiến số ca nhiễm tăng mạnh và gây ra nhiều gián đoạn cho nền kinh tế trong quý I/2023. Tuy nhiên, các động thái chính sách mới sẽ thúc đẩy khả năng tăng trưởng phục hồi nhanh và mạnh hơn trong cả năm 2023.

Các quyết định gần đây của chính quyền Bắc Kinh, nhất là thông báo bãi bỏ yêu cầu cách ly đối với khách quốc tế từ ngày 8/1/2023 được đưa ra đột ngột và quyết liệt hơn so với dự đoán của hầu hết doanh nghiệp và chuyên gia.

Mặc dù cách làm của Trung Quốc đang gây ra nhiều bất ổn hơn cho triển vọng tăng trưởng vốn đã mong manh của những tháng tới, các nhà phân tích nói rằng, việc mở cửa nhanh hơn sẽ rút ngắn thời gian xảy ra các cú sốc kinh tế. Đồng thời, thiệt hại cũng nhiều khả năng sẽ chỉ tập trung vào những tháng quanh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thời điểm mà hoạt động sản xuất và kinh tế thường chững lại.

Ông Yu Xiangrong, kinh tế trưởng của Citigroup tại Trung Quốc, cho rằng: “Dường như mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc là vượt qua làn sóng lây nhiễm này càng nhanh càng tốt. Bắc Kinh muốn thay đổi chính sách một cách nhanh chóng để mở đường cho nền kinh tế phục hồi toàn diện hơn”.

Giới phân tích đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 và nâng dự báo năm 2023 kể từ khi chính phủ đột ngột thay đổi chính sách, đặt dấu chấm hết cho Zero Covid.

Bloomberg ước tính là tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ ở mức 3% trong năm 2022 và phục hồi lên 4,9% vào năm tới. Thậm chí, hai nhà kinh tế Eric Zhu và David Qu kỳ vọng quá trình mở cửa nhanh hơn có thể kéo tăng trưởng cả năm 2023 tới lên 6,3% - cao hơn nhiều so với kịch bản cơ sở của hai ông đưa ra là 5,1%.

“Việc Trung Quốc mở cửa trở lại đi cùng với sự hồi sinh của ngành du lịch Trung Quốc có thể thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ trên khắp thế giới. Hoạt động kinh doanh trong và ngoài Trung Quốc suôn sẻ hơn có thể giúp giảm bớt căng thẳng lên chuỗi cung ứng. Việc Trung Quốc mở cửa cũng sẽ kích thích nhu cầu lớn hơn về hàng hoá, từ đó sẽ tạo thêm áp lực lạm phát cho các nước khác...”, hai nhà kinh tế lo ngại.

Hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài đang rất thận trọng với kế hoạch đầu tư và tuyển dụng nhân sự tại Trung Quốc, bởi họ vẫn chưa thực sự tin tưởng vào triển vọng tương lai của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Ông Noah Fraser, Giám đốc điều hành của Hội đồng Doanh nghiệp Canada-Trung Quốc, cho biết: “Nhiều công ty đã chứng kiến cảnh nhân viên trải qua những khó khăn tột độ trong đại dịch, nhân sự giỏi cũng ngày càng ít háo hức chuyển đến Trung Quốc và những thiệt hại mà chính sách Zero Covid đã làm mất niềm tin của doanh nghiệp, cần thời gian để bù đắp, do đó họ đang chờ đợi và quan sát thêm".

Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, chia sẻ rằng, nhiều công ty hiện không vội rót thêm vốn vào Trung Quốc, mặc dù động thái của Bắc Kinh “có khả năng” sẽ thúc đẩy niềm tin doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh Trung Quốc đang trải qua một thay đổi lớn trong chiến lược chống dịch, doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục chờ đợi xem tình hình thực tế những tuần tới như thế nào, sau đó mới đưa ra quyết định đầu tư dài hạn”, ông cho biết.

Theo nhà kinh tế Gary Ng của Ngân hàng Natixis, việc Trung Quốc loại bỏ các hạn chế Covid mới đây có thể khiến các nhà phân tích điều chỉnh dự báo tăng trưởng một lần nữa. Ông đã hạ kỳ vọng tăng trưởng quý I/2023 từ mức 3,5% xuống 3%, nhưng tin tưởng rằng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ từ tháng 4 trở đi.

“Việc thay đổi chính sách sẽ gây ra tổn thương trong ngắn hạn, nhưng là lợi ích lâu dài cho nền kinh tế Trung Quốc. Trong giai đoạn đầu mở cửa, hoạt động tiêu dùng và sản xuất sẽ suy yếu, khiến chặng đường phục hồi gập ghềnh hơn”, ông Gary dự báo.

Vị chuyên gia Yu của Citi cho rằng, mức độ di chuyển và chi tiêu tiêu dùng của người dân Trung Quốc sẽ khởi sắc sớm và nhanh hơn dự kiến khi năm mới bắt đầu. Đồng thời, dự đoán doanh số bán lẻ sẽ tăng 11% trong năm tới lên khoảng 50.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7.200 tỷ USD). Tuy nhiên, ông cũng lo ngại khả năng kinh tế toàn cầu suy thoái trong năm 2023 sẽ hạn chế tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc. Một chuyên gia khác cũng cho rằng thời điểm Trung Quốc chọn để mở cửa trở lại cũng không hoàn hảo và sẽ kìm hãm quá trình phục hồi của nền kinh tế tỷ dân.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục