Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng sau khi hai bên công bố các gói thuế mới áp lên hàng hóa nhập khẩu của nhau.
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ tuần tới, Trung Quốc cũng lập tức đáp trả bằng cách áp thuế 5-10% lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Với đòn đáp trả này, Mỹ và Trung Quốc sẽ áp thuế lên hơn 360 tỷ USD hàng hóa của nhau. Giới phân tích cho rằng, cuộc chiến có lẽ chưa dừng ở đây và thậm chí sẽ trở nên căng thẳng hơn nữa ngay cả khi Bắc Kinh bắt đầu cạn kiệt dần "vũ khí" đối phó.
Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận nghuên cứu kinh tế châu Á tại Oxford Economics, nhận định các chính sách thuế mới của Washington và Bắc Kinh trong tuần này đánh dấu "bước leo thang căng thẳng đáng kể và sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu".
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của cả hai bên. Động thái mới của Mỹ đồng nghĩa với việc gần một nửa sản phẩm của Trung Quốc xuất sang Mỹ sẽ bị đánh thuế.
Trong khi đó, hơn 5.000 mặt hàng của Mỹ, trong đó có thịt lợn, đậu tương, đồ uống có cồn, sản phẩm hóa chất, hàng may mặc, linh kiện ô tô, sẽ bị ảnh hưởng bởi hàng rào thuế quan.
Trung Quốc sắp cạn “vũ khí” đối phó
Trung Quốc đã hứng đòn thuế quan của Mỹ áp lên hơn 50 tỷ USD hàng hóa. Nhà Trắng đầu tuần này cảnh báo, nếu Bắc Kinh đáp trả chính sách thuế mới của Washington, Mỹ có thể tiếp tục áp thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa nữa của Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ đánh thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (ước tính hơn 500 tỷ USD mỗi năm).
Trong khi đó, Trung Quốc có rất ít dư địa đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Theo số liệu của chính phủ Mỹ, Trung Quốc chỉ nhập khẩu khoảng 130 tỷ USD từ Mỹ.
Sự "kém cạnh" của Bắc Kinh cũng thể hiện ra ở việc chỉ áp thuế 5%-10% đối với hàng hóa của Mỹ, để vẫn có thể đối phó nếu Mỹ quyết định tăng thuế suất từ 10% lên 25% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu từ năm sau.
"Trung Quốc không thể đáp trả tương xứng trong cuộc chiến thuế quan này do vậy câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thể làm gì tiếp theo", Mark Williams, kinh tế trưởng tại Capital Economics, bình luận.
Bước đi tiếp theo của Trung Quốc
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc sẽ không phá giá Nhân dân tệ để hạn chế tác động của căng thẳng thương mại. (Ảnh: Reuters)
Hiện vẫn chưa thể chắc chắn liệu giới lãnh đạo Trung Quốc có mạnh tay hơn nữa với các động thái như tẩy chay hàng Mỹ, gây gián đoạn chuỗi cung ứng hay không.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến nhiều doanh nghiệp đa quốc gia bắt đầu tính đến chuyện chuyển hoạt động kinh doanh khỏi Trung Quốc để tránh tác động tiêu cực từ thuế quan.
Với việc gây trở ngại cho các doanh nghiệp Mỹ vốn mang lại các khoản đầu tư và việc làm cho kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh có nguy cơ khiến cho chính họ trở nên kém hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài khác.
"Đó là một quyết định chính sách vô cùng khó khăn đối với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng, họ không muốn bị coi là gây căng thẳng tình hình", Timothy Stratford, đối tác tại công ty luật Covington & Burling ở Bắc Kinh, nhận định.
Nhiều đồn đoán cho rằng Trung Quốc đang âm thầm phá giá Nhân dân tệ để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, Trung Quốc bị cho là đã phá giá 8% giá trị của đồng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, phát biểu tại Diên đàn kinh tế thế giới diễn ra ở thành phố Thiên Tân ngày 19/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã bác bỏ đồn đoán này. “Việc phá giá Nhân dân tệ gây hại hơn là có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không bao giờ chọn phá giá nội tệ để kích thích xuất khẩu”.
Triển vọng "tháo ngòi căng thẳng" mờ mịt
Trước khi đáp trả nhau bằng thuế quan trong tuần này, giới chức Mỹ và Trung Quốc đã chuẩn bị tiến hành vòng đàm phán mới .
Tuy nhiên, hiện tại không rõ vòng đàm phán có diễn ra theo kế hoạch hay không. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chỉ trích Mỹ đã khiến triển vọng đàm phán song phương trở nên mờ mịt, song không đề cập liệu Bắc Kinh có rút khỏi đàm phán hay không.
Về phía Mỹ, cố vấn kinh tế cấp cao Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Trung Quốc.
Hai bên đã tiến hành một số vòng đàm phán nhưng đến nay vẫn chưa thể đạt được kết quả đột phá.
Giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về việc Trung Quốc sẵn sàng hoặc có khả năng làm vừa lòng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về một số vấn đề mà Washington lo ngại như vấn đề sở hữu trí tuệ hay chính sách trong một số ngành công nghiệp chủ chốt.