Theo mạng Liên hợp buổi sáng ngày 1/12/2024, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Trung Quốc trong tháng 11/2024 vẫn bùng nổ tháng thứ hai liên tiếp, lập mức cao mới trong 7 tháng, cho thấy các chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế mà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra trước đó tiếp tục phát huy hiệu quả.
Số liệu mới nhất do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 30/11/2024 cho thấy chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 11/2024 là 50,3 điểm, tăng 0,2 điểm so với tháng trước và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2024 (50,4 điểm). Con số này cũng tốt hơn mức dự báo trung bình là 50,2 điểm trong các cuộc khảo sát do hãng tin Reuters và Bloomberg thực hiện. PMI trên 50 điểm cho thấy hoạt động kinh tế đang mở rộng, trong khi PMI dưới 50 cho thấy hoạt động kinh tế đang thu hẹp.
Theo số liệu, chỉ số hoạt động kinh doanh phi sản xuất của Trung Quốc trong tháng 11/2024 là 50 điểm, giảm 0,2 điểm so với tháng 10/2024; chỉ số sản lượng PMI tổng hợp trong tháng 11/2024 là 50,8 điểm, bằng tháng 10/2024.
Ông Triệu Khánh Hà, nhà thống kê cấp cao tại Trung tâm Khảo sát công nghiệp dịch vụ thuộc Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, giải thích rằng khi một loạt chính sách hiện hành và chính sách mới tiếp tục phối hợp với nhau, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 11/2024 đã tăng trong phạm vi bùng nổ, lên mức 50,3 điểm, cho thấy tốc độ mở rộng tăng lên.
Ông Triệu Khánh Hà cho biết, chỉ số sản xuất và chỉ số đơn đặt hàng mới lần lượt là 52,4 điểm và 50,8 điểm, tăng 0,4 điểm và 0,8 điểm so với tháng trước, trong đó, chỉ số đơn đặt hàng mới lần đầu tiên tăng lên phạm vi mở rộng kể từ tháng 5 năm nay cho thấy hoạt động của thị trường sản xuất đã tăng lên. Chỉ số kỳ vọng hoạt động sản xuất và vận hành là 54,7 điểm, tăng 0,7 điểm so với tháng 10/2024 và đã phục hồi trong hai tháng liên tiếp, cho thấy hầu hết các công ty sản xuất đều tăng niềm tin vào thị trường.
Theo Reuters và Bloomberg, các biện pháp nêu trên đã kích thích sự phục hồi dần dần của nền kinh tế Trung Quốc. Trong tháng 10/2024, cả PMI sản xuất nhà nước và tư nhân đều tốt hơn kỳ vọng của thị trường. Doanh số bán nhà cũng lần đầu tiên tăng trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm xuống mức thấp mới trong gần 4 tháng.
Tuy nhiên, dữ liệu bán hàng của 100 công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc do Viện Nghiên cứu bất động sản Trung Quốc công bố ngày 30/11 cho thấy doanh số bán hàng trên thị trường nhà ở của Trung Quốc đã đảo ngược xu hướng tăng trưởng 7,1% trong tháng 10/2024 và lại giảm trong tháng 11/2024, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 16,6% so với tháng trước, cho thấy ngành bất động sản vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể tiếp tục phục hồi.
Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc vẫn chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, một trong những thách thức lớn nhất là sự trở lại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra căng thẳng thương mại Trung-Mỹ. Ông Trump gần đây tuyên bố trên mạng xã hội rằng sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử ông tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.