Trung Quốc mang lại niềm hy vọng cho giới đầu tư

(ĐTCK) Chứng khoán Âu, Mỹ tăng mạnh trong phiên thứ Năm (29/8) sau bình luận của Trung Quốc về đàm phán thương mại với Mỹ.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm thứ Năm, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẵn sàng bình tĩnh giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ và chống lại sự leo thang căng thẳng trong cuộc chiến thương mại. Cả hai bên đang thảo luận về vòng đàm phán tiếp theo dự kiến vào tháng 9, nhưng tiến trình sẽ được xác định bởi liệu Washington có thể tạo điều kiện thuận lợi hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Fox News, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, các cuộc đàm phán thương mại đã được lên kế hoạch vào thứ Năm, ở một cấp độ khác, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Các thông tin này đã đem lại kỳ vọng cho nhà đầu tư về việc Mỹ - Trung sẽ tìm cách để ngăn chặn sự leo thang của chiến tranh thương mại, nên tự tin xuống tiền, giúp phố Wall tiếp tục tăng điểm, với mức tăng mạnh hơn nhiều phiên trước đó.

Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất trong phiên là nhóm cổ phiếu chip vốn rất nhạy cảm với cuộc chiến thương mại.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số Dow Jones tăng 326,15 điểm (+1,25%), lên 26.362,25 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 36,64 điểm (+1,27%), lên 2.924,58 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 116,51 điểm (+1,48%), lên 7.973,39 điểm.

Tương tự, kỳ vọng về việc Mỹ - Trung sẽ tìm cách ngăn chặn đà leo thang của chiến tranh thương mại cũng hồ trợ tích cực cho chứng khoán châu Âu, giúp chỉ số chung của khu vực lên mức cao nhất 4 tuần, các các thị trường chính cũng có phiên tăng mạnh trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 69,61 điểm (+0,98%), lên 7.184,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 137,68 điểm (+1,18%), lên 11.838,88 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 81,17 điểm (+1,51%), lên 5.449,97 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc giảm nhẹ, thì chứng khoán Hồng Kông lại đảo chiều tăng điểm, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp khi nhà đầu tư kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ nỗ lực để giải quyết leo thang canh thẳng thương mại.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 18,49 điểm (-0,09%), xuống 20.460,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,84 điểm (-0,1%), xuống 2.890,92 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 88,02 điểm (+0,34%), lên 25.703,50 điểm.

Trong khi kỳ vọng về cuộc chiến thương mại được giải quyết giúp chứng khoán tăng mạnh, thì lại lấy đi sự hấp dẫn của giá vàng, đẩy giá kim loại quý này tiếp tục giảm trong phiên thứ Năm, phiên giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm mạnh hơn nhiều phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 29/8, giá vàng giao ngay giảm 11,6 USD (-0,75%), xuống 1.527,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 12,2 USD (-0,79%), xuống 1.536,9 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng phiên thứ 3 liên tiếp trong ngày thứ Năm nhờ dữ liệu hàng tồn kho Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến được công bố trước đó, cùng cơn bão Dorian đổ sắp đổ bộ vào Floria, tăng mối lo ảnh hưởng đến việc khai thác dầu tại vịnh Mexico.

Kết thúc phiên 29/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,93 USD (+1,67%), lên 56,71 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,59 USD (+0,98%), lên 61,08 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục