Trung Quốc lên tiếng phản đối khi Moody's hạ triển vọng trái phiếu xuống mức tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Ba (5/12), Moody's Investor Service đã hạ triển vọng đối với trái phiếu chính phủ Trung Quốc xuống mức tiêu cực, nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng sâu sắc về mức nợ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc lên tiếng phản đối khi Moody's hạ triển vọng trái phiếu xuống mức tiêu cực

Moody's đã hạ triển vọng từ ổn định xuống tiêu cực trong khi vẫn duy trì mức xếp hạng tín nhiệm A1 đối với trái phiếu chính phủ Trung Quốc. Việc Trung Quốc sử dụng biện pháp kích thích tài chính để hỗ trợ chính quyền địa phương và tình trạng suy thoái bất động sản ngày càng gia tăng của nước này đang gây ra rủi ro cho nền kinh tế quốc gia.

Chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng phản đối ngay sau khi Moody's công bố về việc thay đổi triển vọng. Các nhà chức trách cho biết họ “thất vọng” với quyết định của Moody’s và nền kinh tế quốc gia “sẽ có khả năng phục hồi cao và có tiềm năng lớn”. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, tác động của sự suy thoái bất động sản đang được kiểm soát tốt.

“Những lo ngại của Moody’s về triển vọng tăng trưởng kinh tế và sự bền vững tài chính của Trung Quốc là không cần thiết… Kể từ đầu năm nay, trước tình hình quốc tế phức tạp và nghiêm trọng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi không ổn định và đà suy yếu, nền kinh tế vĩ mô của Trung Quốc tiếp tục phục hồi và phát triển chất lượng cao ổn định”, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sau công bố của Moody’s.

Sự thay đổi trong triển vọng của Moody's với Trung Quốc diễn ra khi làn sóng suy thoái bất động sản ngày càng sâu rộng của Trung Quốc gây ra sự chuyển hướng sang kích thích tài khóa. Điều đó làm dấy lên mối lo ngại về mức nợ quốc gia khi Trung Quốc sắp phát hành trái phiếu kỷ lục trong năm nay.

Moody's cho biết: “Sự thay đổi về triển vọng cũng phản ánh những rủi ro gia tăng liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trung hạn thấp hơn một cách liên tục và có cấu trúc cũng như việc thu hẹp quy mô liên tục của lĩnh vực bất động sản”.

Nền kinh tế Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm động lực thúc đẩy hồi phục trong năm nay khi sự phục hồi từ các chính sách hạn chế hậu Covid tỏ ra yếu hơn dự kiến và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc. Dữ liệu tuần trước cho thấy cả hoạt động sản xuất và dịch vụ đều giảm trong tháng 11, củng cố niềm tin rằng chính phủ cần có nhiều hành động hơn để hỗ trợ sự phục hồi đang chững lại.

Moody's cho biết: “Xem xét thách thức chính sách do nợ của chính quyền địa phương đặt ra, chính quyền trung ương đang tập trung vào việc ngăn chặn sự bất ổn tài chính. Tuy nhiên, việc duy trì sự ổn định của thị trường tài chính trong khi tránh được rủi ro đạo đức và hạn chế chi phí hỗ trợ tài chính là rất khó khăn”.

Theo các nhà giao dịch, các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đã bán một lượng lớn đô la trên thị trường nội địa sau động thái của Moody’s. Các nhà giao dịch cho biết một số ngân hàng thương mại cũng đã có động thái tương tự nhằm hỗ trợ sự phục hồi của đồng nhân dân tệ.

Lần gần đây nhất Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm đối với Trung Quốc là vào năm 2017, từ Aa3 xuống A1, do khả năng nợ trên toàn nền kinh tế tăng đáng kể và tác động của điều đó đối với tình trạng tài chính quốc gia. Đó là lần hạ bậc trái phiếu chính phủ Trung Quốc đầu tiên kể từ năm 1989.

Đầu năm nay, Fitch Ratings cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Bloomberg rằng họ có thể xem xét lại xếp hạng A+ của Trung Quốc. Fitch Ratings gần đây đã khẳng định vẫn duy trì xếp hạng như vậy với triển vọng ổn định.

S&P Global Ratings đã giữ xếp hạng của Trung Quốc ở mức A+ với triển vọng ổn định kể từ lần hạ bậc gần đây nhất vào năm 2017, sau động thái tương tự của Moody’s.

Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Mizuho Securities cho biết: “Nguy cơ bị hạ xếp hạng khó có thể đảo ngược kế hoạch phát hành trái phiếu, điều này có thể giúp giảm bớt lo ngại về lĩnh vực bất động sản và tốc độ tăng trưởng chậm chạp của Trung Quốc… Tác động của việc cắt giảm triển vọng đối với dòng chảy trái phiếu sẽ tỏ ra hạn chế trong khi chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn là động lực chính”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục