Trung Quốc lãng phí 6.800 tỷ USD vì đầu tư sai lầm

(ĐTCK) Các “thành phố ma” với các khu căn hộ bỏ hoang, đường cao tốc vắng lặng và nhà máy thép không hoạt động là hình ảnh quen thuộc tại nhiều khu vực của Trung Quốc hiện nay, hậu quả từ các gói kích thích kinh tế quá mức của Chính phủ và hoạt động xây dựng ồ ạt. Điều này đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lãng phí đầu tư lên tới 6.800 tỷ USD kể từ năm 2009.
Trung Quốc lãng phí 6.800 tỷ USD vì đầu tư sai lầm

Theo số liệu thống kê của các chuyên gia thuộc Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) và Viện Nghiên cứu kinh tế vĩ mô Trung Quốc, chỉ tính riêng năm 2009 và 2013, đầu tư không hiệu quả đã chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư của Trung Quốc những năm gần đây. Dự báo, kinh tế Trung Quốc cả năm 2014 có thể tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990 và báo cáo của giới phân tích đã nhấn mạnh đặc biệt tới mối quan ngại đang gia tăng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về hậu quả kinh tế và xã hội tiềm ẩn, nếu các khoản đầu tư lãng phí này khiến nhiều dự án bị hủy bỏ và nợ xấu đè nặng lên hệ thống tài chính.

Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, Trung Quốc đã bơm tiền đầu tư và kích thích kinh tế trong nước, khi chính phủ dành sự ưu ái lớn và dòng vốn chảy trực tiếp vào các ngành công nghiệp như sản xuất thép và chế tạo ô tô. Chính sách nới lỏng tiền tệ quá mức này, cùng với việc các kế hoạch đầu tư không được giám sát chặt chẽ chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng lãng phí đầu tư.

Báo cáo nêu rõ: “Hiệu quả đầu tư đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới, có thể nhận thấy rõ hiệu quả đầu tư kém đã gây ra quá nhiều lãng phí”.

Bắc Kinh không phải là không nhận ra mặt trái của chính sách phụ thuộc nặng vào đầu tư và tăng trưởng dựa vào tín dụng để chuyển sang mô hình lấy động lực là tiêu dùng và dịch vụ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm trong năm nay lại khiến Trung Quốc một lần nữa phải nới lỏng tín dụng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế và duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Giáo sư tài chính Michael Pettis ở trường Đại học Peking nhận định, “các nhà sản xuất thép và phát triển bất động sản Trung Quốc sẽ tiếp tục bám vào nguồn tín dụng rẻ chừng nào còn có thể, bởi lẽ Chính phủ Trung Quốc không thể để họ khó khăn vì sẽ ảnh hưởng tới thị trường lao động và tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, cuối cùng thì Chính phủ Trung Quốc vẫn sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chừng nào kinh tế Trung Quốc còn tăng trưởng quá nóng thì vấn đề nợ càng trở nên tồi tệ”.  

Rất nhiều khoản đầu tư trong những năm gần đây đổ vào các dự án bất động sản, song doanh số bán căn hộ và giá nhà đất Trung Quốc liên tục tụt dốc không phanh, dẫn tới nguy cơ bong bóng thị trường bất động sản xì hơi. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp phụ thuộc đáng kể vào hoạt động xây dựng nhà cửa như sản xuất thép, kính, xi măng cũng đang trong tình trạng cung vượt cầu và bị ảnh hưởng nặng nề từ sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản.

Trong khi đó, theo một số nghiên cứu độc lập của các nhà kinh tế Trung Quốc và hải ngoại, quyết định đầu tư sai lầm và phân bổ nguồn vốn bất hợp lý không phải là lý do duy nhất gây ra sự lãng phí. Một phần đáng kể các gói kích thích kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng rơi vào túi các “quan tham” Trung Quốc. Trong vòng 2 năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn, phanh phui hàng nghìn “quan tham” ra ánh sáng.

Jonathan Anderson, nhà sáng lập Công ty tư vấn Emerging Advisors Group, nhận định, khoảng 1.000 tỷ USD đã “biến mất” tại Trung Quốc trong 5 năm qua, tương đương với 5% GDP mỗi năm, do hoạt động quản lý yếu kém và sự bùng nổ đầu tư không được kiểm soát chặt chẽ. Ông nói: “Hãy thử tưởng tượng xem, một buổi sáng năm 2009, mỗi chính quyền địa phương được thông báo rằng, Chính phủ đã dỡ bỏ mọi giới hạn tín dụng đối với nền kinh tế. Và khi không có ai giám sát hoạt động đầu tư, thật khó để các quan chức địa phương Trung Quốc kháng cự sức hút của đồng tiền, hoặc đem chúng đổ vào các dự án và hợp đồng của bạn bè”.               

Việt Khoa(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục