Cuộc khủng hoảng tiền mặt kéo dài đến nửa năm nói trên là biểu hiện rõ ràng nhất cho những rủi ro đang lên ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mặc dù vẫn tăng trưởng gần 8%/năm, Trung Quốc đang ngày càng lún sâu vào vấn đề nợ, và Chính phủ đã phải tiến hành những cải cách được cho là liều thuốc đắng đối với một nền kinh tế đã trở nên quá lệ thuộc vào vốn rẻ này. Sự tái phát của tình trạng căng thẳng cao độ trên các thị trường tiền tệ của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy, các hoạt động cắt giảm nợ đã bắt đầu, nhưng cùng với đó sẽ là những cơn đau.
Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư hy vọng rằng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ giải tỏa bớt áp lực bằng cách bơm thêm tiền vào hệ thống thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Và kỳ vọng đó đã biến thành màu xanh trên thị trường chứng khoán Trung Quốc những ngày đầu tuần này, ngay cả khi lãi suất liên ngân hàng đã leo lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng, PBoC sẽ kiềm chế để không chạy theo sự hốt hoảng của các thị trường tài chính, cảnh giác đưa ra thông điệp sai lầm.
“PBoC đã rất kiên quyết trong việc chỉ đạo các định chế tài chính hạ thấp tỷ lệ đòn bẩy và công nợ. Vì vậy, họ sẽ không khinh suất rời khỏi lập trường chính sách cứng rắn của mình”, ông Chu Văn Uyên, Trưởng phòng nghiên cứu thu nhập cố định của CTCK Quốc thái Dân an, một công ty môi giới chứng khoán trong nước hàng đầu của Trung Quốc, cho biết.
Nợ của Trung Quốc đã tăng từ mức 130% GDP 5 năm trước lên khoảng 200% hôm nay, một mức tăng thẳng đứng, khiến Chính phủ nước này vội vã tìm cách ngăn lại.
Ông Chu dự đoán, Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục điều tiết lượng tiền tại các tổ chức tín dụng yếu thanh khoản thông qua “nghiệp vụ thanh khoản ngắn hạn - SLOs” - như đã làm 3 ngày liên tiếp trong tuần trước - để ngăn chặn bất kỳ định chế nào rơi vào khủng hoảng. Nhưng theo ông Chu, PBoC sẽ sớm ngừng việc bơm tiền qua nghiệp vụ thị trường mở.
Việc kiềm chế bơm thanh khoản như vậy sẽ là rủi ro, tiềm tàng phát sinh một đợt tăng lãi suất khác trên thị trường tiền tệ vốn đã ở mức bất ổn cao. Lãi suất tái chiết khấu trái phiếu kỳ hạn 7 ngày, một chỉ tiêu quan trọng phản ánh mức độ thanh khoản ngắn hạn, đã leo lên mức 8,8% hôm thứ Hai, tăng 60 điểm cơ bản so với mức bình quân hôm thứ Sáu tuần trước, một dấu hiệu cho thấy các ngân hàng vẫn đang tích trữ tiền.
“Ngân hàng Trung ương đang đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan do vừa muốn thắt chặt tiền tệ, vừa muốn giữ lãi suất không tăng”, ông Thẩm Kiến Quang, nhà kinh tế của CTCK Mizuho nói. “Ngân hàng muốn giải phóng áp lực, nhưng lại không muốn đưa ra thông điệp nới lỏng tiền tệ”.
Ông Thẩm cho rằng, PBoC sẽ chọn cách tiếp cận chờ đợi và quan sát, vừa thu tiền về trên thị trường mở, vừa sẵn sàng bơm tiền ra qua “nghiệp vụ thanh khoản ngắn hạn” nếu cần thiết.
Khi căng thẳng thị trường bắt đầu trong tuần trước, PBoC đã bơm ra 300 tỷ nhân dân tệ (49 tỷ USD) qua SLOs, nhằm bổ sung thanh khoản cho các ngân hàng gặp vấn đề. Ngân hàng Trung ương cũng phát đi thông điệp rằng, hoạt động bơm tiền này sẽ tiếp tục với những “tổ chức tín dụng đủ điều kiện”. Thông điệp được đưa ra sau khi có những tin đồn về việc có một số định chế tài chính đã trễ hạn thanh toán lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng.
Mark Williams của Capital Economics cho biết, ông dự đoán PBoC sẽ bơm tiền qua thị trường mở trong tuần này. “Đó là việc phải làm trong thời điểm này, nhưng không ai muốn tiếp tục nó trong dài hạn”, Williams nói.
Thanh khoản sẽ tiếp tục căng thẳng ở Trung Quốc trong những ngày cuối năm nay khi nhu cầu của doanh nghiệp đối với tiền mặt tăng lên và các ngân hàng vội vã huy động để đáp ứng các quy định của ngành. Cuộc cạnh tranh huy động giữa các ngân hàng đang mang lại lựa chọn lãi suất cao hơn cho người gửi tiết kiệm.
Các nhà phân tích cho rằng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đánh giá quá cao hoạt động chi tiêu của Chính phủ trong những tuần cuối năm, dẫn đến việc họ tin là thanh khoản sẽ dư dật.
Mỗi khi lãi suất liên ngân hàng tăng lên, PBoC lại cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng, các điều kiện về tiền tệ đã sẵn sàng được nới lỏng thông qua 1.500 tỷ nhân dân tệ dự trữ dôi dư trong hệ thống ngân hàng.
Động thái tương tự đã được thực hiện hôm thứ Hai. Trong một bài biết trên trang nhất, tờ Tin tức Chứng khoán Thượng Hải, một tờ báo tài chính chính thống, đã bình luận rằng, cuộc khủng hoảng tiền mặt chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng: “Khủng hoảng tiền mặt tuyệt đối không liên quan đến việc khan hiếm tiền. Đó chỉ là hệ quả của một cơ cấu tài chính méo mó trong hệ thống ngân hàng”.
Các cơ quan tuyền truyền của Trung Quốc cũng đã yêu cầu các báo đài địa phương hạ giọng với câu chuyện khủng hoảng tiền mặt, một dấu hiệu cho thấy, chính họ cũng đang lo lắng chuyện khan hiếm tiền mặt sẽ leo thang thành khủng hoảng tài chính.
>>Rủi ro lớn từ sốt bất động sản Trung Quốc