Trung Quốc là trung tâm của việc giá vàng phá kỷ lục

(ĐTCK) Việc giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục trên 2.400 USD/ounce trong năm nay đã thu hút thị trường toàn cầu. Trung Quốc - nhà sản xuất và tiêu thụ kim loại quý lớn nhất thế giới - là yếu tố trung tâm đã thúc đẩy đà tăng của giá vàng.

Căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp và triển vọng lãi suất của Mỹ thấp hơn đã góp phần thúc đẩy các khoản đầu tư vào vàng. Nhưng, yếu tố thúc đẩy quan trọng của đà tăng lần này là nhu cầu không ngừng của Trung Quốc, khi những nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư và thậm chí cả ngân hàng trung ương đều xem vàng thỏi như một phương tiện lưu trữ giá trị trong những thời điểm không chắc chắn.

Người mua lớn nhất

Trung Quốc và Ấn Độ thường tranh giành danh hiệu người mua vàng lớn nhất thế giới. Nhưng điều đó đã thay đổi vào năm ngoái khi mức tiêu thụ đồ trang sức, vàng miếng và tiền xu của người Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục. Nhu cầu vàng trang sức của Trung Quốc tăng 10% trong khi Ấn Độ giảm 6%. Trong khi đó, đầu tư vào đồng xu và vàng miếng của Trung Quốc đã tăng 28% trong năm ngoái.

Trung Quốc vượt qua Ấn Độ trong việc tiêu thụ vàng miếng

Trong bối cảnh các lựa chọn đầu tư hạn chế ở Trung Quốc, cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán biến động và đồng nhân dân tệ suy yếu đều là những nguyên nhân chuyển tiền tới những tài sản được xem là an toàn hơn.

“Trọng lượng tiền sẵn có trong những trường hợp này đối với một tài sản như vàng - và thực sự đối với những người mua mới tham gia - là khá đáng kể… Không có nhiều lựa chọn thay thế ở Trung Quốc. Với các biện pháp kiểm soát ngoại hối và kiểm soát vốn, các thị trường khác rất khó để bỏ tiền vào”, Klapwijk, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Precious Metals Insights cho biết.

Đẩy mạnh nhập khẩu

Mặc dù Trung Quốc khai thác nhiều vàng hơn bất kỳ quốc gia nào khác nhưng nước này vẫn nhập khẩu rất nhiều và số lượng ngày càng lớn hơn. Trong hai năm qua, lượng mua vàng từ nước ngoài của Bắc Kinh đạt tổng cộng hơn 2.800 tấn – tương ứng với khoảng 1/3 lượng dự trữ do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nắm giữ.

Nhập khẩu vàng của Trung Quốc tăng mạnh

Ngoài ra, nhập khẩu vàng đã tăng mạnh trong giai đoạn cận Tết Nguyên đán của Trung Quốc, mùa cao điểm của quà tặng và trong hai tháng đầu năm, với mức cao hơn 53% so với năm 2023.

PBOC tăng mua vàng

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tăng cường mua vàng trong 17 tháng liên tiếp, đây là đợt mua dài nhất từ trước đến nay, nhằm đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối khỏi đồng đô la và phòng ngừa sự mất giá của tiền tệ.

Đây là người mua nhiệt tình nhất trong số các ngân hàng trung ương đang ưa chuộng vàng. Khu vực chính thức đã mua vàng với khối lượng gần mức gần kỷ lục vào năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì lượng mua vào năm 2024.

Điều này cho thấy sức hấp dẫn của vàng khi nhu cầu của Trung Quốc vẫn rất cao, bất chấp giá vàng đang ở mức kỷ lục và đồng nhân dân tệ yếu hơn làm ảnh hưởng tới sức mua của người mua.

Chi phí cao hơn

Là nước nhập khẩu lớn, người mua vàng ở Trung Quốc thường phải trả giá cao hơn giá quốc tế. Mức chi trả khi mua vàng đã tăng lên 89 USD/ounce vào đầu tháng này. Trong khi đó, mức trung bình trong năm qua là 35 USD/ounce so với mức trung bình lịch sử chỉ là 7 USD/ounce.

Mặc dù mức giá cao ngất ngưởng có thể sẽ làm giảm bớt sự nhiệt tình đối với vàng miếng, nhưng thị trường đang chứng tỏ khả năng phục hồi một cách bất thường. Người tiêu dùng Trung Quốc thường mua vàng khi giá giảm, điều này giúp thiết lập mức sàn cho thị trường trong thời kỳ suy thoái. Lần này thì không như vậy, vì nhu cầu của Trung Quốc đang giúp đẩy giá lên cao hơn nhiều.

Nikos Kavalis, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Metals Focus Ltd. cho biết, điều đó cho thấy đà tăng là bền vững và người mua vàng ở khắp mọi nơi sẽ được hưởng lợi trước nhu cầu bùng nổ của Trung Quốc.

Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc lại tỏ ra kém lạc quan hơn về xu hướng của giá vàng. Truyền thông nước này đã cảnh báo các nhà đầu tư nên thận trọng trong việc theo đuổi đà tăng, trong khi cả Sàn giao dịch vàng Thượng Hải và Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đều tăng yêu cầu ký quỹ đối với một số hợp đồng để ngăn chặn việc chấp nhận rủi ro quá mức. Động thái của SHFE diễn ra sau khi khối lượng giao dịch hàng ngày tăng vọt lên mức cao nhất trong 5 năm.

Dòng vốn vào ETF

Một cách ít mạo hiểm hơn để đầu tư vào vàng là thông qua các quỹ ETF. Theo Bloomberg Intelligence, tiền đã chảy vào các quỹ ETF vàng ở Trung Quốc hầu như mỗi tháng kể từ tháng 6/2023. Ngược lại, dòng vốn lại chảy ra mạnh mẽ khỏi các quỹ đầu tư vàng ở phần còn lại của thế giới.

Dòng tiền đổ vào các quỹ ETF vàng ở Trung Quốc đã đạt tổng cộng 1,3 tỷ USD trong năm nay, so với 4 tỷ USD dòng tiền chảy ra từ các quỹ nước ngoài. Những hạn chế trong việc đầu tư vào Trung Quốc tiếp tục là nguyên nhân dẫn tới xu hướng này, do người Trung Quốc có ít lựa chọn hơn ngoài tài sản và cổ phiếu trong nước.

Nhà phân tích Rebecca Sin của BI cho biết, nhu cầu của Trung Quốc có thể tiếp tục tăng khi các nhà đầu tư tìm cách đa dạng hóa việc nắm giữ tài sản.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục