Theo dữ liệu vừa công bố vào cuối tuần trước, GDP quý III của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6%, mức thấp nhất trong vòng 27 năm qua và thấp hơn mức dự báo 6,1% của giới phân tích.
Dữ liệu này đã nay lập tức ảnh hưởng tới chứng khoán châu Á, châu Âu và sau đó là tới phố Wall khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa.
Ngoài bị tác động tiêu cực bởi thông tin từ bên kia bờ Thái Bình Dương, phố Wall còn chịu tác động không tốt từ đà lao dốc của cổ phiếu Boeing và Johnson & Johnson sau khi 2 tập đoàn này nhận những thông tin tiêu cực.
Cổ phiếu Boeing giảm 6,8% sau khi tin nhắn văn bản giữa hai phi công thử nghiệm cho thấy nhà sản xuất máy bay đã đánh lừa Cục Quản lý Hàng không Liên bang về sự an toàn của máy bay 737 MAX có căn cứ bị rò rỉ.
Trong khi đó, cổ phiếu của Johnson & Johnson giảm 6,2% sau khi hãng này phải thu hồi bột trẻ em ở Mỹ sau khi các nhà quản lý tìm thấy hàm lượng amiăng trong một mẫu kiểm tra.
Ngoài ra, Quỹ tiền tệ quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống còn 3%, điều này sẽ đánh dấu sự mở rộng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, cũng khiến giới đầu tư lo lắng.
Kết thúc phiên 18/10, chỉ số Dow Jones giảm 255,68 điểm (-0,95%), xuống 26.770,20 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,75 điểm (-0,39%), xuống 2.986,20 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 67,31 điểm (-0,83%), xuống 8.089,54 điểm.
Với 2 phiên giảm cuối tuần đã khiến Dow Jones mất điểm trở lại trong tuần khi với mức giảm nhẹ 0,17%, trong khi đó S&P 500 và Nasdaq tiếp tục duy trì đà tăng. Trong đó, S&P tăng 0,54%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp và Nasdaq tăng 0,40%, tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm trong phiên thứ Sáu tuần trước sau những báo cáo kết quả kinh doanh kém khả quan từ Renualt, Danone, vướng mắc mới của Brexit khi gia hạn Brexit dù vừa đạt được thỏa thuận mới với EU và dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc.
Kết thúc phiên 18/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 31,75 điểm (-0,44%), xuống 7.150,57 điểm. Chỉ số DAX giảm 21,35 điểm (-0,17%), xuống 12.633,60 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 36,81 điểm (-0,65%), xuống 5.636,25 điểm.
Sau khi lấy lại đà tăng tuần trước đó, chứng khoán Anh và Pháp đã trở lại đà giảm trong tuần qua, chỉ có chứng khoán Đức duy trì đà tăng. Cụ thể, trong tuần, FTSE 100 giảm 1,33%, DAX tăng 0,97% và CAC40 giảm 0,52%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất 10 tháng nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ sau khi công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC dự báo doanh thu quý IV tăng gần 10% do nhu cầu tăng nhanh đối với chip di động, thì chứng khoán Trung Quốc, Hồng K ông, Hàn Quốc đồng loạt giảm, trong đó chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh sau dữ liệu GDP quý III của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng chậm nhất trong 27 năm qua được công bố.
Kết thúc phiên 18/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 40,82 điểm (+0,18%), lên 22.492,68 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 39,19 điểm (-1,32%), xuống 2.938,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 128,91 điểm (-0,48%), xuống 26.719,58 điểm. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 17,25 điểm (-0,83%), xuống 2.060,69 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng mạnh 3,18%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Chỉ số Hang Seng dù điều chỉnh phiên cuối tuần, nhưng cũng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,56%. Tương tự, dù giảm khá mạnh phiên cuối tuần, nhưng chỉ số Kospi cũng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 0,79%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite đảo chiều giảm 1,19%.
Dù nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng, đẩy chứng khoán đồng loạt giảm, cùng đồng USD giảm, nhưng giá vàng lại không thể bứt lên mà chỉ lình xình trong suốt phiên giao dịch cuối tuần qua và đóng cửa giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 18/10, giá vàng giao ngay giảm 1,9 USD (-0,13%), xuống 1.489,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 4,2 USD (-0,28%), xuống 1.494,1 USD/ounce.
Sau khi giảm mạnh hơn 1% trong tuần trước do sự khởi sắc của chứng khoán, giá vàng đã hồi nhẹ trở lại trong tuần qua, dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,12%, giá vàng tương lai tăng 0,36%.
Dù kinh tế thế giới đang hãm đà tăng trưởng, cùng sự không chắc chắn của Brexit, nhưng giới phân tích vẫn không đánh giá cao vào đà tăng của vàng, trái ngược với sự lạc quan của các nhà đầu tư.
Cụ thể, trong 14 chuyên gia trả lời, chỉ có 2 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 14%, thấp hơn so với con số 29% của tuần trước và thấp hơn nhiều con số 71% của tuần trước nữa; trong khi có 7 người dự báo giảm, chiếm 50%, cao hơn con số 47% của tuần trước và 5 người dự báo đi ngang, chiếm 36%.
Trong khi đó, trong 876 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 490 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 56%, thấp hơn so với con số 59% của tuần trước; 214 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 24%, cao hơn so với mức 23% của tuần trước và 172 người dự báo giá đi ngang, chiếm 20%.
Dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc đã kéo giảm giá dầu thô trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, đà giảm được hãm bớt nhờ đồng USD yếu.
Kết thúc phiên 18/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,15 USD (-0,28%), xuống 53,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,49 USD (-0,82%), xuống 59,42 USD/thùng.
Sau tuần hồi phục trước đó, giá vàng đã giảm trở lại trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 1,68%, giá dầu thô Brent giảm 1,80%.