Trung Quốc hạ thấp kỳ vọng về gói kích thích lớn vào năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã phát đi tín hiệu rõ ràng nhất rằng nước này sẽ không dùng đến các biện pháp kích thích lớn để vực dậy tăng trưởng trong bối cảnh giảm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2024 tại Davos, Thụy Sĩ Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2024 tại Davos, Thụy Sĩ

Phát biểu với các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tuần này, ông Lý đã ca ngợi khả năng Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023 mà không khiến nền kinh tế phải tràn ngập các gói kích thích lớn. Mặc dù vậy, Trung Quốc đang ghi nhận chuỗi giảm phát tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Giá nhà trong tháng trước đã giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, nhấn mạnh quy mô suy thoái của thị trường bất động sản.

Khi miêu tả sự thành công của quỹ đạo kinh tế, ông Lý nhấn mạnh rằng, Trung Quốc “không tìm kiếm sự tăng trưởng ngắn hạn trong khi tích lũy rủi ro dài hạn”, đề cập tới các phương pháp cũ của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng bằng cách vay mượn nhiều và tài trợ cho thị trường bất động sản đang quá nóng.

Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings cho biết: “Các nhà chức trách không muốn tạo ấn tượng rằng họ rất lo lắng về tăng trưởng và họ muốn cố gắng nhìn nền kinh tế đến năm 2024 mà không có biện pháp kích thích đáng kể…Có nguy cơ là họ đang đánh giá thấp áp lực suy thoái đối với nền kinh tế”.

Trong khi kích thích quy mô lớn “kiểu bazooka” đã giúp đưa nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập kỷ trước, thì việc mở rộng do nợ nần đã dẫn đến tình trạng dư thừa công suất và khiến nhiều chính quyền địa phương phải chịu gánh nặng tài chính khổng lồ. Giờ đây, các nhà chức trách đang phải tìm ra loại kích thích nào có thể giúp họ chống đỡ thành công vòng xoáy giảm phát, tìm đáy cho cuộc khủng hoảng bất động sản và tạo ra sự phát triển bền vững.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thực hiện các biện pháp vào tháng trước để bơm tiền vào hệ thống tài chính, làm dấy lên kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất chính sách.

Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis SA cho biết: “Họ cần phải cắt giảm lãi suất nếu muốn đạt mức tăng trưởng 5% trong năm nay”. Trung Quốc có nguy cơ mắc phải những sai lầm tương tự như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã mắc phải khi không phản ứng trước tình trạng giảm phát vào đầu những năm 1990 khi bị bao vây bởi một thời kỳ tăng trưởng kinh tế kém kéo dài.

Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc các công cụ khác. Bloomberg News đưa tin trong tuần này rằng, Trung Quốc đang xem xét phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD) trái phiếu chính phủ siêu dài hạn, một dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng chuyển nhiều nợ hơn từ ngân sách địa phương sang ngân sách trung ương.

Theo một số nguồn tin, Ngân hàng Ping An Bank Co. của Trung Quốc đã đưa 41 nhà phát triển bất động sản vào danh sách các công ty đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính sau khi điều chỉnh các tiêu chí cho vay. Sự điều chỉnh này đưa ra một ví dụ mới về cách các công ty tài chính phản ứng trước những nỗ lực tăng cường của Trung Quốc nhằm giảm bớt tình trạng khủng hoảng tiền mặt giữa các nhà phát triển bất động sản.

Bất động sản là lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Đầu tư bất động sản đã giảm 9,6% trong năm ngoái so với năm 2022. Nhà ở mới khởi công - thước đo niềm tin chính của các nhà phát triển bất động sản - đã giảm 20,9%. Jacqueline Rong, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại BNP Paribas SA cho biết, sự sụt giảm đầu tư bất động sản “chắc chắn chưa chạm đáy”. Ông gọi lĩnh vực này là “áp lực suy thoái lớn nhất đối với nền kinh tế”.

Bất chấp sự tăng trưởng đáng kinh ngạc trong các lĩnh vực sản xuất mới như xe điện, chúng vẫn không đóng góp đủ vào nền kinh tế tổng thể để thay thế hoàn toàn bất động sản như một động lực tăng trưởng chính.

Zhang Zhiwei, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết: “Với việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản giảm, nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất và dịch vụ…Quá trình chuyển đổi này sẽ mất thời gian để hoàn thành”.

Trong khi đó, trọng tâm đang chuyển sang mức độ kích thích mà chính phủ sẽ dựa vào để đáp ứng nhu cầu. Các chính sách tài khóa mạnh mẽ hơn có thể đồng nghĩa với việc quốc gia đó đặt ra mức thâm hụt tài chính ngân sách cao hơn và phát hành nhiều nợ hơn.

“Hoạt động sản xuất yếu trong tháng 12/2023 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lần đầu tiên trong 5 tháng đã mang đến thông điệp rằng sự yếu kém có thể kéo dài đến năm 2024 trừ khi tăng cường hỗ trợ chính sách. Chính phủ đã tăng cường thúc đẩy tài chính - và chúng tôi mong đợi các bước chính sách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là về mặt tài chính trong những tháng tới”, Chang Shu và David Qu, nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách vẫn còn dư địa để hành động vào cuối năm 2024 bằng cách giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Nhưng PBOC có phần bị hạn chế vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kêu gọi thận trọng trước việc kỳ vọng sớm cắt giảm lãi suất ở Mỹ.

Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley cho biết: “Đây là những gì chúng tôi gọi là phản ứng nới lỏng…Họ cần một sự thay đổi quyết đoán hơn sang chủ động nới lỏng để phá vỡ vòng lặp giảm phát nợ này”.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục