Trung Quốc: Giá cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước tăng vọt sau đề xuất phương pháp định giá mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh kinh tế trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu "hụt hơi", chỉ số Hang Seng China Central SOE, gồm các doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất, đã giảm 9,9% kể từ ngày 8/5.
Trung Quốc: Giá cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước tăng vọt sau đề xuất phương pháp định giá mới

Ông Yi Huiman, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc đã đề xuất một phương pháp mới để định giá các doanh nghiệp do nhà nước, tư nhân và các tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu mang tên “Một hệ thống định giá mang bản sắc Trung Quốc”.

Ông Yi Huiman chỉ ra rằng các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính nhà nước chiếm gần một nửa vốn hóa thị trường trong nước.

“Điều này cho thấy vai trò trụ cột của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế”, ông Yi Huiman nhận định.

Sau phát biểu của ông Yi Huiman, giá cổ phiếu các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc đã tăng vọt sau vài phiên giao dịch sau đó, thấp thì khoảng 10%, thậm chí có công ty tăng cao hơn 50%, theo Bloomberg.

Theo Chen Jianheng, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), các nhà đầu tư đang bị hấp dẫn bởi cổ tức do các doanh nghiệp nhà nước trả, bởi nó tốt hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Ví dụ như ngày 31/5, tỷ suất trả cổ tức của ICBC là hơn 6%, trong khi tỷ suất lợi tức của trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm là dưới 3%.

Trước đó, sau hàng loạt dữ liệu kinh tế thất vọng hơn dự báo, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng khỏi các cổ phiếu Trung Quốc.

Cụ thể, tháng 4/2023, các nhà đầu tư nước ngoài rút 4,55 tỷ nhân dân tệ khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc và tiếp tục bán ròng 12,1 tỷ nhân dân tệ trong tháng 5.

Tính đến ngày 31/5, chỉ số Hang Seng China Central SOE, gồm các doanh nghiệp quốc doanh lớn nhất, đã giảm 9,9% kể từ ngày 8/5. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng China Enterprises, chủ yếu theo dõi các công ty công nghệ tư nhân của Trung Quốc đã mất 8,9%.

Trong tháng 5, chỉ số quản lý thu mua (PMI) giảm xuống mức 48,8 từ mức 49,2 trong tháng 4, tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Chỉ số PMI dưới 50 phản ảnh hoạt động sản xuất đang suy giảm.

Các chỉ số phụ của PMI bao gồm sản xuất, đơn đặt hàng mới và tồn kho nguyên liệu thô đều giảm trong tháng 5. Chỉ có chỉ số PMI mảng phi sản xuất của Trung Quốc vẫn ở trên ngưỡng 50 trong tháng 5, nhưng đã giảm xuống còn 54,5 từ mức 56,4 của tháng 4.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục