Trung Quốc - điểm đến “hot” của du khách Việt

Văn hóa đồng điệu, đường bay nhộn nhịp, visa thông thoáng - bộ 3 quyền năng này đang khiến Trung Quốc trở thành điểm hẹn lý tưởng của du khách Việt.

Sức nóng của các tour du lịch Trung Quốc

“Tôi chưa từng nghĩ sẽ chọn Trung Quốc cho các kỳ nghỉ, nhưng sau khi xem hàng loạt video trên TikTok về Trương Gia Giới, Phượng Hoàng cổ trấn, tôi bị mê hoặc. Những cảnh quay cổ trang đẹp như phim khiến tôi muốn được tận mắt chứng kiến và cuối cùng đã quyết định cùng gia đình đặt tour”, chị Đào Minh Tâm, một du khách trẻ tại Hà Nội chia sẻ.

Không chỉ là trào lưu nhất thời trên mạng xã hội, làn sóng du lịch Trung Quốc đang thực sự tạo ra sức nóng trên thị trường. Sức hút của điểm đến này được thể hiện rõ nét qua lượng khách đăng ký tour tăng đột biến trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2025, chỉ trong vài ngày đầu sự kiện, loạt tour du lịch Trung Quốc tại các công ty lữ hành lớn nhanh chóng “cháy vé”.

Tuyến Nghi Xương - Trương Gia Giới - Thiên Môn Sơn - Động Tam Du - Phượng Hoàng cổ trấn là một trong những tour đắt khách nhất tại Vietravel. Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị và Truyền thông Vietravel chia sẻ: “Sức hút của tuyến này đến từ sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, kiến trúc cổ kính và mức giá dễ tiếp cận trong phân khúc trung - cao cấp. Hiện nhiều đoàn đã kín chỗ, chúng tôi đang thương thảo để tăng thêm suất phục vụ”.

Ngoài tour bay, các tuyến đường bộ qua cửa khẩu Lào Cai, Móng Cái, Lạng Sơn cũng đang vào mùa cao điểm. Tại Công ty Vân Nam Group, lượng khách đăng ký tăng mạnh ngay từ đầu tháng 4. Trong vòng chưa đầy 2 tuần, đã có gần 1.000 lượt khách đặt chỗ. Con số này dự kiến đạt 1.500 trong kỳ nghỉ lễ, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Hoàng Tuyết, Giám đốc Top One Travel, đại diện thương hiệu liên minh Vân Nam Group Tours, dù giá tour đường bộ dịp 30/4 - 1/5 tăng 20 - 30% so với ngày thường, nhưng vẫn rẻ hơn nhiều so với đi nội địa bằng máy bay.

Bên cạnh những điểm đến quen thuộc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Phượng Hoàng cổ trấn, Trương Gia Giới, nhiều công ty du lịch đang tích cực làm mới sản phẩm để phân tán dòng khách, tránh quá tải và tạo lựa chọn mới. “Chúng tôi đang đẩy mạnh các tuyến khám phá Lệ Giang, Shangrila, Cửu Trại Câu, Thành Đô - những nơi vẫn giữ được bản sắc văn hóa sâu đậm, ít bị thương mại hóa”, bà Vân Khanh cho hay.

Du lịch nội địa bị cạnh tranh

Năm 2025 đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời là “Năm giao lưu nhân văn Trung - Việt”. Trong bối cảnh quan hệ chính trị tin cậy, hợp tác kinh tế - thương mại ngày càng chặt chẽ, giao lưu văn hóa giữa giới trẻ hai nước cũng trở nên sôi động. Chính sự tương tác văn hóa này đang trực tiếp thúc đẩy nhu cầu du lịch qua lại giữa 2 nước.

Trong khi tour Trung Quốc đang ghi nhận lượng khách tăng mạnh, thì thị trường du lịch nội địa dịp lễ lại đối mặt với áp lực cạnh tranh không nhỏ. Giá vé máy bay nội địa tăng mạnh, giá phòng khách sạn tại các điểm đến trong nước cũng leo thang từng ngày, khiến không ít du khách cân nhắc việc “xuất ngoại” thay vì chen chân trong nước.

Tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2025, lượng khách quan tâm đến vé máy bay đi TP.HCM dịp 30/4 - 1/5 tăng gấp 3 lần so với các kỳ hội chợ trước. Phần lớn trong số đó là để tham gia chuỗi sự kiện văn hóa - lịch sử kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, chi phí tăng cao cho các dịch vụ đi kèm như lưu trú, ăn uống và di chuyển khiến nhiều người đắn đo.

Không ít du khách cho biết, với ngân sách khoảng 20 triệu đồng, họ hoàn toàn có thể mua được tour Trung Quốc chất lượng cao, trọn gói từ vé máy bay, khách sạn đến các trải nghiệm tham quan độc đáo. Trong khi đó, nếu chọn du lịch trong nước, nhiều người vẫn phải loay hoay tìm chỗ ở, chỗ chơi hợp lý giữa mùa cao điểm. Chính sự chênh lệch này đã khiến du lịch nước ngoài, đặc biệt là các điểm đến gần, trở thành lựa chọn sáng giá cho kỳ nghỉ lễ năm nay.

Ngoài vấn đề chi phí, yếu tố trải nghiệm cũng đang trở thành điểm cộng lớn của các tour nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc - điểm đến gần, dễ đi, giàu văn hóa và liên tục được truyền thông, mạng xã hội “thổi lửa” qua các video chia sẻ sống động.

Trong khi đó, nhiều điểm đến trong nước tuy quen thuộc nhưng đang rơi vào tình trạng “bội thực” về sản phẩm, thiếu đổi mới trong cách khai thác dịch vụ và tổ chức tour. Một số địa phương còn để xảy ra hiện tượng chặt chém, quá tải hạ tầng hoặc dịch vụ không tương xứng với giá cả, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách.

Linh Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục