Trung Quốc: Đầu tư ra nước ngoài tăng gấp 3 lần

(ĐTCK) Các nhà đầu tư Trung Quốc đang mở rộng rất mạnh hoạt động ra nước ngoài.
Trung Quốc: Đầu tư ra nước ngoài tăng gấp 3 lần

Công ty kiểm toán và tư vấn PriceWaterhouseCoopers - PwC cho biết, nửa đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài đã tăng gấp 3 lần, lên 23,9 tỷ USD so với 7,9 tỷ USD cùng kỳ năm 2011, trong đó 70% là đầu tư vào lĩnh vực nguyên liệu và năng lượng.

Ông Jens-Peter Otto, Giám đốc PwC cho biết, kinh tế ở châu Âu và Bắc Mỹ suy giảm kéo dài khiến nhiều công ty gặp khó khăn. Ngoài ra, Trung Quốc việc đồng nhân dân tệ tăng mạnh cũng giúp các DN Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc mua lại các công ty của châu Âu và Bắc Mỹ.

Kể từ đầu năm 2010 đến nay, đồng nhân dân tệ đã tăng gần 20% và từ đầu năm 2011 đã tăng 10% so với đồng euro, còn với đồng USD, đồng nhân dân tệ đã tăng tương đương là 7% và 4%.

Ông Jens-Peter Otto cho rằng, những điều kiện thuận lợi đó đã mở ra cơ hội cho các công ty Trung Quốc tung vốn đầu tư và mua lại các công ty nước ngoài với giá thuận lợi. Theo nhận xét của PwC, trước đây, người Trung Quốc ưa thích châu Phi và Mỹ Latinh, nhưng từ khi các nước công nghiệp phát triển hoan nghênh bất cứ sự đầu tư nào từ nước ngoài thì đất nước khổng lồ ở châu Á này đã chuyển sang ưu tiên địa bàn Bắc Mỹ và châu Âu, trong đó Đức là địa bàn rất được ưa thích, bởi Đức là địa bàn "vô địch về danh tiếng" của những công ty hàng đầu thế giới.

Theo thông tin của Hiệp hội kinh tế đối ngoại và tiếp thị đầu tư (GTAI), trong năm qua, 1/5 các dự án được người Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài được đầu tư ở Đức, chứng tỏ Đức là địa bàn các nhà đầu tư Trung Quốc rất ưa thích.

Nhà sản xuất máy móc thiết bị xây dựng Sơn Đông của Trung Quốc đã tiến hành thủ tục mua lại Công ty chế tạo xe nâng Kion của Đức ở Wiesbaden. Kion là Công ty lớn thứ 2 thế giới về chế tại xe nâng, sau hãng Toyota. Trung Quốc sẵn sàng trả 700 đến 800 triệu euro để mua lại Công ty Kion. Đây là thương vụ mua bán với mức giá cao nhất trong thời gian gần đây.

Hồi tháng 3/2012, công ty chế tạo máy móc hạng nặng "Sany Heavy Industry" của tỉnh Hồ Nam Trung Quốc cũng đã chi 324 triệu euro mua 90% cổ phần của công ty bơm bê tông hàng đầu thế giới ở Schwäbisch (Đức).

Gần đây, các công ty ốm yếu về quang điện (Photovolaik) của Đức như Sunways và Solibro đã rơi vào tay các công ty Trung Quốc. Trước đó, công ty Lenovo từ Bắc Kinh đã "nuốt" công ty sản xuất máy tính và nhà cung cấp Aldi Medion ở Essen (Đức). Thương vụ của Công ty Sơn Đông đã kéo dài thêm danh sách về sự tham gia đầu tư của Trung Quốc ở Đức.

Trung Quốc: Đầu tư ra nước ngoài tăng gấp 3 lần  ảnh 1Biểu đồ thể hiện đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc từ 2009 đến nửa đầu năm 2012

 

Tuy nhiên, đến nay, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Đức mới chỉ là 775 triệu euro, xếp vị trí thứ 27 trong số các nước đầu tư vào Đức, nhưng đang ngày một tăng nhanh.

GTAI cho biết, riêng trong năm ngoái, đã có 158 dự án của Trung Quốc ở Đức, trong khi năm 2010 chỉ là 126 dự án và năm 2009 là 84 dự án. Lý do chính mà các công ty Trung Quốc tập trung vào Đức là vì Đức nằm ở trung tâm châu Âu và quy mô thị trường lớn, công nhân chuyên nghiệp và đội ngũ kỹ sư trình độ cao.

Ngoài ra, Bắc Mỹ cũng là mục tiêu chính của các công ty Trung Quốc. Việc Công ty Wanda (Trung Quốc) mua lại chuỗi rạp chiếu phim AMC của Mỹ với 2,6 tỷ USD được coi là vụ giao dịch lớn nhất. Việc công ty Haier của Trung Quốc mua lại phân khúc sản xuất thiết bị gia dụng của Sanyo ở châu Á với 100 triệu USD cũng cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đang tính đến khả năng trở thành tập đoàn đa quốc gia ở phương Đông.

Trái với xu hướng mở rộng đầu tư ra nước ngoài, còn các thương vụ mua bán, sáp nhập giữa các công ty Trung Quốc với nhau lại giảm cả số các hợp đồng lẫn giá trị hợp đồng. Trong đó, số lượng giảm hơn 1/4 xuống 1.340 vụ và giá trị các hợp đồng giảm 45,6 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước là 1.837 vụ ký kết và 62 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm nay, đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ đạt 4,1 tỷ USD, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự đoán của PwC, lý do là các nhà đầu tư nước ngoài còn chờ đợi, vì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ gây áp lực với giá cả chuyển nhượng.

Thái Duy
Thái Duy

Tin cùng chuyên mục