Góc nhìn địa chính trị
Làn sóng các doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc đang gia tăng. Ngày 14/5, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ FOX, Tổng thống Mỹ Donald J. Trump đã đề cập đến giải pháp cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc khi phát biểu: “Chúng ta đã có thể tiết kiệm 500 tỷ USD nếu như cắt bỏ hoàn toàn mối quan hệ với Trung Quốc”.
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow cũng cho biết Washington sẽ trả chi phí cho doanh nghiệp Mỹ nếu họ di chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
Các tập đoàn Apple, Microsoft, Sony, Nintendo, và Google đã tiến hành dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ với những động thái cụ thể. Chính phủ Nhật Bản thậm chí đã chi 2,2 tỷ USD để kích thích các công ty rút khỏi Trung Quốc. Ấn Độ dành ra quỹ đất 461.589 ha, gấp 2 lần Luxembourg, để tiếp cận 1.000 doanh nghiệp đang chuẩn bị rời khỏi Trung Quốc. Tín hiệu dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang rõ ràng hơn bao giờ hết.
Phần lớn các chuyên gia nhận định, tình trạng này chủ yếu là do các công ty đã nhận thấy hệ quả lâu dài mà thương chiến Mỹ - Trung gây ra.
Chi phí sản xuất các mặt hàng tại Trung Quốc đã tăng lên đáng kể do chi phí đầu vào ngày càng cao. Giá đất tại Trung Quốc bình quân hàng năm tăng 16% trong vòng 8 năm qua. Trong khi chi phí nhân công trung bình mỗi giờ tại Trung Quốc là 5,51 USD vào năm 2018, tăng gấp 4 lần so với năm 2005, cao hơn so với Mexico 4,45 USD và với Việt Nam là 2,73 USD. Chính phủ sở tại can thiệp sâu vào hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cũng góp vào bức tranh ảm đạm này. Vấn đề ăn cắp công nghệ và phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng sản xuất tại Trung Quốc đang làm nản lòng nhiều công ty đa quốc gia.
Trong thực tế, Trung Quốc vẫn là điểm đến lý tưởng cho các các nhà đầu tư kể cả trong bối cảnh có chiến tranh thương mại hay các chi phí khác gia tăng. Trung Quốc đã phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện cũng như ngành công nghiệp phụ trợ rộng khắp mà các quốc gia khác không dễ bắt kịp. Các nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm thấy ở thị trường này không chỉ nguyên liệu thô tại chỗ, mà còn nhiều sản phẩm đầu vào, từ đơn giản cho tới tinh xảo. Thị trường rộng lớn tạo điều kiện cho các công ty dễ dàng tối ưu hoá toàn bộ vòng đời sản phẩm.
Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đến các nước đang phát triển khác dường như là một bước tiếp nối của lịch sử
Bên cạnh đó, sự ổn định tương đối của đồng tiền và an ninh xã hội được đảm bảo tạo môi trường khá tốt cho kinh doanh. Các nhà đầu tư cũng cân nhắc về chi phí dịch chuyển sản xuất, dự kiến là sẽ rất lớn so với những lợi ích mà thị trường Trung Quốc đang mang lại. Nhiều người cho rằng, nếu Tổng thống Trump không tái đắc cử thì chiến tranh thương mại sẽ kết thúc.
Tuy nhiên, có cơ sở để tin rằng việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc vào chiến lược kìm hãm Trung Quốc của Mỹ về dài hạn chứ không thuần tuý do chiến tranh thương mại hay Covid-19. Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã tuyên bố: “Chúng ta phải làm gì đó đối với Trung Quốc hoặc người Mỹ sẽ không còn là một sức mạnh kinh tế mạnh mẽ trong 10 hoặc 15 năm tới”. Nói cách khác, sự “trỗi dậy” về lâu dài của Trung Quốc sẽ thách thức vị trí dẫn đầu của Mỹ, kể cả về kinh tế lẫn chính trị. Đây mới là động lực mạnh mẽ đằng sau quyết tâm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ hiện nay.
Thật vậy, nội lực và tham vọng to lớn của Trung Quốc có thể gợi lên nhiều hàm ý chính trị. Năm 2015, về sản lượng chế tạo toàn cầu, Trung Quốc chiếm 70% về điện thoại, 28% về ô tô, 41% về tàu, 60% về giày, hơn 50% về tủ lạnh, và 80% về máy tính điều hoà và máy tính. GDP của Trung Quốc xếp thứ 2 thế giới, vượt xa các quốc gia còn lại.
Tham vọng của Trung Quốc được thể hiện trong chiến lược “Made in China 2025”, với các kế hoạch làm chủ công nghệ phóng tàu vũ trụ, công nghệ 5G và nhiều công nghệ tiên tiến khác trong tương lai. Cùng lúc đó, lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện tại đang cao nhất thế giới. Nếu Trung Quốc phát triển theo tốc độ hiện tại thì dự trữ ngoại hối của cường quốc này sẽ còn tăng rất nhanh. Với nguồn lực dân số to lớn và quyết tâm của Chính phủ, Trung Quốc sở hữu nội lực to lớn và hoàn toàn có khả năng đe doạ vị thế và lợi ích toàn cầu của Mỹ. Việc Trung Quốc bị Mỹ kiềm chế là điều tất yếu.
Hiện nay, đại đa số các thành viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà đã nhận thức Trung Quốc như "một đối thủ cần bị kìm hãm và đánh bại". Sự thống nhất trong nhận thức này dường như rất mạnh mẽ.
Trong nền chính trị Mỹ, mỗi nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 4 năm trong khi các thượng nghị sĩ như Ted Kennedy có thể tại vị tới hơn 47 năm. Tổng thống có thể thay đổi các chính sách của người tiền nhiệm, nhưng chiến lược dài hạn toàn cầu của quốc gia thì thường ổn định nhờ vào Thượng viện và các cố vấn cấp cao của Chính phủ. Trong trường hợp ứng cử viên đảng Cộng hoà Donald Trump thất cử và đại diện đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử nhiệm kỳ tới “cũng chẳng tốt đẹp gì cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc”, theo như tờ Bloomberg mô tả. Cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí còn nhấn mạnh “Trung Quốc đang ăn bữa trưa của chúng ta”.
Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đến các nước đang phát triển khác dường như là một bước tiếp nối của lịch sử. Những năm 80 của thế kỷ XX khi Nhật Bản nhờ vào “phép màu kinh tế” để vươn lên và thách thức vai trò dẫn đầu thế giới của Mỹ, Nhật Bản đã phải ký Hiệp định Plaza vào năm 1985. Trong đó nhóm G5 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp) đi đến thỏa thuận giảm giá USD so với Yên Nhật và Mác Đức (đơn vị tiền tệ của Cộng hòa Liên bang Đức trước khi đồng Euro có hiệu lực vào ngày 1/1/2002) bằng cách can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Sau hiệp định Plaza, Yên Nhật tăng giá đã thúc đẩy các công ty Nhật Bản vươn ra sản xuất ở nước ngoài (chủ yếu là ở Trung Quốc) để gia tăng lợi thế cạnh tranh toàn cầu. Sau khi bình thường hoá quan hệ với Mỹ (năm 1979), Trung Quốc đã đón nhận làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn đến mức chưa từng có, tạo tiền đề giúp cường quốc này vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới vào năm 2010. Thế giới ngày nay đang trở nên phẳng hơn nhờ các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các nước đang phát triển khác đã nâng cấp cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, và các điều kiện khác để cạnh tranh với Trung Quốc. Chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng của Mỹ do vậy càng có điều kiện để thực hiện.
Các tập đoàn lớn của Mỹ dường như đang ủng hộ chiến lược kìm hãm Trung Quốc của Chính phủ. Trong chính trường Mỹ, các chính trị gia không thể o ép các tập đoàn đa quốc gia vì mối quan hệ giữa họ mang tính phụ thuộc. Các công ty đa quốc gia góp vào sức mạnh của Mỹ. Do đó, nếu việc dịch chuyển chuỗi cung ứng tác động xấu tới nền kinh tế Mỹ thì các tập đoàn có thể phản ứng lại với chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, các tập đoàn có thể đã nhận thấy họ sẽ bị thiệt hại lớn hơn nếu như không nhanh chóng kìm hãm Trung Quốc. Apple, Google, và Microsoft đã tuyên bố rút khỏi Trung Quốc như một động thái ủng hộ và đồng hành cùng chính sách của Chính phủ Mỹ.
Có thể nói, chiến lược kìm hãm Trung Quốc được ủng hộ trong toàn nước Mỹ thông qua nhận thức về sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, quan điểm khá thống nhất giữa của các đảng chính trị Mỹ, và từ bước tiếp nối của sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng trong lịch sử kinh tế.
Diễn biến tiềm năng của chuỗi cung ứng
Nước Mỹ nắm giữ những ưu thế thế vô cùng mạnh mẽ để thực hiện các chiến lược dài hạn của họ. Các định chế tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) đều có sự tham gia và đóng góp to lớn của Mỹ. USD được giao dịch nhiều nhất trên thị trường thế giới, đồng thời là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Bên cạnh đó, lợi thế là quốc gia tham gia sáng lập và đóng vai trò chủ chốt trong các thể chế toàn cầu như Liên hợp quốc (UN) hay Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tạo điều kiện để Mỹ sử dụng các tổ chức này để phục vụ cho các chiến lược riêng của họ. Hệ thống các quốc gia đồng minh của Mỹ có nhiều động thái ủng hộ Mỹ kìm hãm Trung Quốc. Mỹ cũng có thể thông qua năng lực quân sự vượt trội để tiến hành các hoạt động răn đe Trung Quốc.
Giữa tâm bão đại dịch, thế giới dường như càng nhận ra hệ quả của việc quá phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc
Sau đại dịch Covid-19, quá trình thực hiện chiến lược kìm hãm Trung Quốc được đẩy nhanh hơn. Tại thời điểm Tổng thống Donald Trump đe doạ áp thuế lên các đồng minh, cơ chế hoạt động của hệ thống “trục và nan hoa” (hub and spoke) chưa được kích hoạt để kiềm chế Trung Quốc. Giữa tâm bão đại dịch, thế giới dường như càng nhận ra hệ quả của việc quá phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc. Trong công cuộc chống dịch, nhiều quốc gia châu Ấu thân Mỹ đã phải lệ thuộc vào nhập khẩu các phương tiện và thiết bị y tế của Trung Quốc. Những khó khăn từ việc lệ thuộc vào chuỗi cung ứng từ “người khổng lồ châu Á” và sự thiếu trách nhiệm cũng như mối đe doạ từ tham vọng của Trung Quốc càng là “lực đẩy” gắn kết Mỹ và các đồng minh trong chiến lược kìm hãm Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, nhiều khả năng Trung Quốc cố tránh xu hướng này bằng nhiều cách khác nhau. Đồng tiền của họ tiếp tục có xu hướng yếu đi để giúp tăng cường sức mạnh cho xuất khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc có thể đề ra nhiều ưu đãi hơn cho các công ty nước ngoài, như thuế và cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, quốc gia này cũng có thể sẽ tiến hành điều chỉnh các quy định về bảo mật, chuyển giao công nghệ để thu hút các công ty quốc tế tiếp tục ở lại Trung Quốc. Trong trường hợp cần thiết, Trung Quốc hoàn toàn có thể cứng rắn hơn để ngăn chặn làn sóng rút khỏi Trung Quốc thông qua các biện pháp cần thiết.
Dẫu vậy, chuyên gia Long Yongtu - người dẫn đầu các cuộc đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc, đã cảnh báo rằng, việc Trung Quốc bị bỏ rơi trong trật tự mới của kinh tế toàn cầu là khó thể đảo ngược. Rõ ràng là, khả năng Trung Quốc vươn lên dẫn đầu như những nhận định những năm trước 2015 là khó có thể xảy ra.
Khi mà trạng thái hoà hoãn giữa Mỹ và Trung Quốc đang bị phá vỡ, thì Ấn Độ đang “nổi lên” để “thế chân” vào khoảng trống địa chính trị mà Trung Quốc để lại. Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ có tiềm lực dân số và quân sự to lớn. Chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến Ấn Độ vào tháng 2/2020 gây ấn tượng về mối quan hệ nồng ấm chưa từng thấy trước đây.
Sau Ấn Độ, Đông Nam Á sẽ có nhiều cơ hội, đặc biệt là Việt Nam với lợi thế dễ dàng nhập nguồn nguyên liệu thô từ Trung Quốc. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất điện thoại di động Samsung tại Việt Nam.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có mối quan hệ lâu đời và chia sẻ ý thức hệ. Vì vậy, mặc dù nhiều khó khăn và thách thức sẽ bủa vây Trung Quốc trong thời gian tới, nhưng mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ khó có thể xấu đi quá nhiều. Ngược lại, khả năng Mỹ “từ bỏ” ảnh hưởng đối với Việt Nam cũng không thể, vì Mỹ cần Việt Nam trong chiến lược kìm hãm tham vọng vươn ra biển lớn của Trung Quốc. Việt Nam đang đứng trước những thời cơ mới.
Thuận lợi và thách thức cho Việt Nam
Tốc độ của các công ty chuyển dịch dây chuyền sản xuất sang Việt Nam đã bắt đầu tăng tốc vào năm ngoái. Nhiều công ty chuyển đến Việt Nam vì tin rằng họ sẽ tìm thấy một môi trường thuận lợi, với sự gần gũi về địa lý và những tương đồng về văn hoá - chính trị với Trung Quốc. Việt Nam hiện là điểm sáng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước hết, Việt Nam sở hữu ưu thế về địa chính trị, rõ nét là tiếp giáp Trung Quốc về phía Bắc, sở hữu bờ biển dài và cửa ngõ ra Biển Đông thuận tiện cho kết nối với thị trường các quốc gia Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là trục kết nối khu vực Đông Bắc Á với các quốc gia Đông Nam Á. Song song với sự gần gũi về phương diện địa lý thì Việt Nam còn sở hữu những giá trị văn hóa mang nhiều nét tương đồng với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, với dân số trên 97 triệu người và độ tuổi trung bình là 32,5, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động đông đảo với tay nghề có nhiều tiến bộ do nhanh chóng thích ứng với sự dịch chuyển của làn sóng đầu tư sang các thị trường châu Á. Nhờ vào sự trải rộng của hệ thống đào tạo nghề và giáo dục dựa trên kỹ năng, lao động Việt Nam có tay nghề ngày một cao cũng như được rèn luyện qua kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài.
Những bước phát triển này là nhờ vào việc Việt Nam tiến hành tự do hóa kinh tế vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế giúp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 6-7%. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với gần 60 đối tác đã đưa Việt Nam tham dự sâu hơn vào chuỗi giá trị, mở rộng và làm sâu sắc hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với nhiều đối tác. Cởi mở trong hợp tác kinh tế, chú trọng thu hút các đối tác nước ngoài và trải thảm đỏ đón nhân tài là những điểm sáng trong tư duy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Các công ty nước ngoài yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và do đó buộc lao động Việt Nam phải nâng cao tay nghề để tránh bài học “thừa lao động nhưng lại mai một kỹ năng” của Ấn Độ. Ảnh: BĐT
Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng những hạn chế và thách thức vẫn tồn tại. Việt Nam có thể cung cấp lao động giá rẻ nhưng dân số hơn 97 triệu người vẫn quá bé nhỏ so với Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân. Một nhà sản xuất đồ nội thất Nhật Bản cho thương hiệu Muji cho biết họ đã bị trì hoãn sản xuất kể từ tháng 1 vì thiếu lao động. Một số công ty cũng đòi hỏi các chuyên gia kiểm soát chất lượng, và thực tế này vẫn chưa được đáp ứng tốt tại thị trường Việt Nam.
Song song đó, các cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập với nhiều dự án còn dang dở, chậm tiến độ và chưa đáp ứng được tốc độ hình thành của các cụm công nghiệp. Các công ty nước ngoài yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và do đó buộc lao động Việt Nam phải nâng cao tay nghề để tránh bài học “thừa lao động nhưng lại mai một kỹ năng” của Ấn Độ.
Khi đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng tốc, Việt Nam đối diện với vấn nạn tham nhũng. Richard L. Cassin, chuyên gia kinh tế được tạp chí Ethisphere bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất trong đạo đức kinh doanh đã cảnh báo và quan ngại về những tác động tiêu cực từ tham nhũng lên các hoạt động thu hút đầu tư tại Việt Nam. Môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh sẽ quyết định đến tính bền vững của các hoạt động đầu tư dài hạn.
Những thách thức khách quan cũng cần tính đến. Ngay cả những công ty có các hoạt động sản xuất đa dạng cũng khó có thể thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhà sản xuất trò chơi điện tử Nintendo đã chuyển dây chuyền sản xuất các máy chơi sang Việt Nam vào năm 2019. Tuy nhiên, các bảng điều khiển Switch vẫn chưa thể được chuyển đến các công ty Việt Nam do Covid-19 khiến các nhà cung cấp linh kiện Trung Quốc tạm dừng sản xuất.
Những hình dung trung hạn và tương lai cho Việt Nam
Trong thời gian tới, nhiều khả năng các công ty sẽ tiếp tục chiến lược đảm bảo chuỗi cung ứng bằng cách phân tán rủi ro. Việc kết luận rằng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đang tạo nên những chấn động địa kinh tế sẽ là quá sớm. Bởi lẽ, việc tìm kiếm thị trường mới không có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc. Hàm ý địa kinh tế rõ nét và có cơ sở nhất là thời cơ mà Trung Quốc trở thành trung tâm (hub) sản xuất của thế giới phương Tây có lẽ đã kết thúc. Nói cách khác, nhiều công ty sản xuất nước ngoài ở Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại có khả năng kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc và đang khẩn trương tìm cách đa dạng hóa thị trường.
Trước làn sóng chảy máu đầu tư từ Trung Quốc sang thị trường Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã tin tưởng và đang bắt đầu khởi động một chiến lược tìm nguồn cung ứng từ Việt Nam. Khả năng phục hồi nhanh chóng của Việt Nam trước đại dịch và năng lực thích nghi với những cú sốc hệ thống không lường trước được như chiến tranh thương mại giữa các cường quốc và dịch bệnh toàn cầu giúp Việt Nam “ghi điểm” trong nhận thức của nhiều quốc gia. Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thu hút đầu tư hơn khi vào cuối tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố Mỹ có kế hoạch thúc đẩy hợp tác cùng Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam trong “mạng lưới kinh tế thịnh vượng”.
Để tận dụng cơ hội, Việt Nam cần có những cải cách hiệu quả hơn về môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ; xây dựng năng lực thích ứng tốt về kiến thức và kỹ năng cho lực lượng lao động; có các tiêu chuẩn cụ thể và chế tài nghiêm khắc hơn với các hoạt động tham nhũng; làm tốt công tác dự báo, đặc biệt là những quỹ đạo chiến lược trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động của Covid-19 đến môi trường đầu tư, các nền kinh tế khu vực và thế giới. Nhìn chung, Việt Nam sẽ là điểm đến đầy hứa hẹn trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.