Trung Quốc cạnh tranh hút vốn với các thị trường mới nổi

(ĐTCK) Nếu như trước đây, việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng tích cực sẽ tạo động lực chung cho nhóm các thị trường mới nổi thì năm nay, diễn biến này lại khiến dòng tiền bị chia tách và đổ dồn về Đại lục.
Ảnh Internet

Các thị trường mới nổi toàn cầu lẽ ra phải tạo sức hút lớn vào thời điểm này, khi các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có tín hiệu hồi phục và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm ngừng quá trình nâng lãi suất trong năm nay. Cả 2 đều là những tin rất tích cực đối với thị trường chứng khoán. Vậy nhưng, thay vào đó, giới đầu tư lại tỏ ra lo lắng và sẵn sàng bán ra. Cụ thể, nhà đầu tư đã bán ra khoảng 2,6 tỷ USD cổ phiếu thuộc các thị trường mới nổi trong 3 tuần qua, ngoại trừ thị trường Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn và việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn đã trở thành tin xấu đối với các thị trường mới nổi khác. Một trong những lý do chính là việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày càng chứng tỏ sức cạnh tranh mạnh mẽ trong việc thu hút dòng vốn ngoại, nhờ sức chi tiêu lớn từng ngày.

Trái ngược với những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thường nói, Trung Quốc đã không còn là quốc gia xuất khẩu mọi thứ với số lượng khổng lồ, trong khi chi tiêu nhỏ giọt. Thực tế, hiện nay, tầng lớp trung lưu tại Đại lục đang vung tiền để đi du lịch và mua sắm. Năm 2018, hơn 160 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài, chi tiêu 237 tỷ USD vào các loại hàng hóa, tương đương 60% giá trị xuất khẩu hàng hóa của nước này.

Trong bối cảnh hiện tại, chính quyền Bắc Kinh buộc phải tập trung hơn vào các chính sách thu hút dòng vốn ngoại để cân bằng lại tài khoản vãng lai và tránh tình trạng thâm hụt. Đây là lý do giới chức nước này bất ngờ mở rộng cánh cửa ngành công nghiệp dịch vụ tài chính, cho phép các nhà băng ngoại nắm quyền kiểm soát tại các liên doanh nội địa, nâng hạn ngạch sở hữu cổ phiếu hạng A đối với các nhà đầu tư tham gia chương trình đầu tư đạt chuẩn tại cả 2 sàn Thẩm Quyến và Thượng Hải…

Rõ ràng, Trung Quốc đang cố gắng hết sức để khiến các nhà đầu tư phải “mở ví” rót vốn và trong cuộc cạnh tranh này, khó có thị trường mới nổi nào đủ sức đánh bại Đại lục.

Chưa kể, năm 2019, chính quyền Trung Quốc đang thực hiện các chính sách tập trung vào việc giảm thuế doanh nghiệp và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa. Nếu Đại lục thành công, nhu cầu trong nước sẽ đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu các sản phẩm hoàn chỉnh ở khâu cuối cùng, như túi xách tay từ Ý, xe sang từ Đức hay thực phẩm chức năng từ Mỹ…, sau đó mới tới việc nhập khẩu các nguyên liệu thô từ các quốc gia đang phát triển. Như vậy, Trung Quốc đang thực hiện bước đi có lợi hơn cho các nền kinh tế phát triển, thay vì các thị trường mới nổi như trước đây.

 Chỉ số MSCI Các thị trường mới nổi “mờ nhạt” so với màn biểu diễn của S&P 500 (Mỹ) và CSI 300 (Trung Quốc).

Đáng chú ý, việc MSCI gia tăng tỷ trọng của cổ phiếu hạng A trong các chỉ số theo dõi chứng khoán của mình cũng khiến dòng tiền từ các quỹ đầu tư theo dõi chỉ số đổ mạnh vào thị trường Đại lục. Trong môi trường mà nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhà đầu tư trở nên kén chọn hơn nơi rót tiền vào, một khi đã bị thu hút bởi thị trường Đại lục, cơ hội dành cho các thị trường mới nổi khác sẽ thu hẹp lại đáng kể.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục