Trung Nam "mắc nghẹn" tại Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM đứng trước nguy cơ thêm một lần tạm dừng, nếu không ký được phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian hoàn thành Dự án.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ tạm dừng nếu không được ký phụ lục hợp đồng BT (ảnh: TN) Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ tạm dừng nếu không được ký phụ lục hợp đồng BT (ảnh: TN)

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, chủ đầu tư dự án Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1, có vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng cho biết, Dự án đang có nguy cơ tạm dừng do chưa được ký kết phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian hoàn thành Dự án (đã hết hạn từ ngày 26/6/2020), nên nguồn vốn của dự án (do Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn) sẽ không thể gia hạn thời gian giải ngân thêm (đã hết hạn từ ngày 31/8/2020).

Trung Nam BT 1547 là công ty thành viên của Tập đoàn Trung Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án đã được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cấp vốn hơn 7.094 tỷ đồng, tương ứng khoảng 80% giới hạn số tiền cho vay được phê duyệt, dư nợ đến hạn phải trả vào ngày 15/11/2020 là hơn 2.639 tỷ đồng. BIDV và nhà đầu tư đã gửi công văn cho UBND TP.HCM về việc bố trí vốn thanh toán dư nợ đến hạn phải trả này trong tháng 11 căn cứ theo quy định tại hợp đồng BT Dự án, văn bản số 1331/UBND-DA ngày 14/4/2020 của UBND.

Nếu phụ lục hợp đồng không được ký kết, thì nguồn vốn của dự án do Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn sẽ không thể gia hạn thời gian giải ngân thêm (ảnh: TN)

Nếu phụ lục hợp đồng không được ký kết, thì nguồn vốn của dự án do Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn sẽ không thể gia hạn thời gian giải ngân thêm (ảnh: TN)

Lắm vướng mắc

Ông Nguyễn Tâm Tiến cho hay, mặc dù Tổ Đàm phán và chủ đầu tư đã tích cực làm việc, song đến nay, vẫn chưa ký kết phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian hoàn thành Dự án.

Tổ Đàm phán đã thống nhất một số nội dung của Phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian thực hiện Dự án Ngăn triều từ ngày 24/9/2020, tuy nhiên người được giao ký phụ lục hợp đồng BT này là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa đồng ý ký, đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào từ UBND thành phố đối với việc này.

Sẽ có rất nhiều hệ lụy nếu dự án không được ký phụ lục hợp đồng BT, trong đó nặng nhất có thể sẽ phải treo dự án vĩnh viễn (ảnh: TN)
Sẽ có rất nhiều hệ lụy nếu dự án không được ký phụ lục hợp đồng BT, trong đó nặng nhất có thể sẽ phải treo dự án vĩnh viễn (ảnh: TN)

Ngoài ra, UBND TP.HCM phải bố trí vốn trên 2.639 tỷ đồng để hoàn trả cho Ngân hàng Nhà nước trong tháng 11/2020 theo cam kết tại Phụ lục Hợp đồng BT số 4769/PLHĐ–UBND ngày 18/11/2019 và Quyết định số 770/QĐ-NHNN ngày 27/4/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chưa kể, liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, hiện còn vướng mặt bằng của 2 hộ dân tại cống kiểm soát triều Mương Chuối và mặt bằng của 35 hộ dân tại 3 đoạn đê kè trên địa bàn huyện Nhà Bè.

Điều đáng nói là, đến nay, UBND thành phố vẫn chưa có thông tin rõ ràng về việc thanh toán quỹ đất cho Nhà đầu tư theo quy định của Hợp đồng BT đã ký kết.

Nguy cơ “treo” dự án vĩnh viễn

Đại diện chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng cho hay, nếu những vướng mắc trên không được tháo gỡ, thì sẽ có rất nhiều hệ lụy đi kèm.

Cống Mương Chuối đã đạt được 92% khối lượng thi công (ảnh: TN)
Cống Mương Chuối đã đạt được 92% khối lượng thi công (ảnh: TN)

Thứ nhất, dự án tạm dừng sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ giảm ngập của UBND thành phố, thành phố không hoàn thành các cam kết và nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ giao phó, chỉ đạo. Đồng thời dự án tạm dừng gây mất lòng tin của người dân vào chính quyền Thành phố vì đã lỡ hẹn suốt nhiều năm qua.

Thứ hai, tình hình thực hiện Dự án Ngăn triều kéo dài, chi phí lãi vay và các chi phí theo thời gian phát sinh hàng trăm tỷ đồng, những phát sinh không hợp lý sẽ dẫn đến vượt thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố. Các phát sinh do kéo dài thủ tục pháp lý hoàn toàn nằm ngoài trách nhiệm của nhà đầu tư theo quy định của Hợp đồng đã ký.

Thứ ba, với việc Ngân hàng Nhà nước dừng giải ngân tái cấp vốn hơn 1.800 tỷ đồng còn lại cho Dự án Ngăn triều và tình trạng chậm giải quyết thủ tục của thành phố thì việc tìm nguồn vốn khác sẽ không khả thi, dự án sẽ đi đến bế tắc vì không có nguồn vốn để hoàn thành. Bảo hiểm của Dự án đã hết hạn và nguy cơ mất an toàn công trình, giao thông thủy… sẽ rất cao và thiệt hại rất lớn.

Cống Bến Nghé hiện đã đạt 94%, trong đó đã thi công xong phần thân cống và đang lắp đặt cửa vang cống (ảnh: TN)
Cống Bến Nghé hiện đã đạt 94%, trong đó đã thi công xong phần thân cống và đang lắp đặt cửa vang cống (ảnh: TN)

Thứ tư, thực tế khối lượng công việc dở dang chưa được thanh toán, khối lượng đang làm cũng như những thiệt hại tính toán được do tạm ngừng vào khoảng 600 - 700 tỷ đồng. Chưa kể đến thiệt hại về hiệu quả kinh doanh, tài chính, uy tín, nguồn nhân lực và trang thiết bị của nhà đầu tư khi dự án kéo dài 1 năm qua.

Nguồn vốn của dự án với 1.100 tỷ đồng của nhà đầu tư và gần 8.900 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà ước có nguy cơ thiệt hại khi dự án tiếp tục tạm dừng mà không xác định được thời gian thi công trở lại.

“Trong trường hợp không tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nhà đầu tư sẽ bàn giao lại hiện trạng dự án cho Thành phố. Dự án cũng đang đứng trước nguy cơ trở thành dự án treo vĩnh viễn”, đại diện chủ đầu tư dự án nhấn mạnh.

Trong trường hợp các vướng mắc không được tháo gỡ, nhà đầu tư sẽ bàn giao lại hiện trạng cho Thành phố (ảnh: TN)
Trong trường hợp các vướng mắc không được tháo gỡ, nhà đầu tư sẽ bàn giao lại hiện trạng cho Thành phố (ảnh: TN)

Chủ đầu tư dự án cho hay, tổng giá trị dự án: 8,138 tỷ/9,566 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) đạt khoảng 85% tổng mức đầu tư. Trong đó, Giá trị dở dang do chưa gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn: khoảng 450 tỷ đồng. Riêng lũy kế giá trị xác nhận chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 255.47 tỷ đồng.

Công tác triển khai ở từng hạng mục:

+ Cống Bến Nghé (đạt 94%): Đã thi công xong thân cống; đang lắp đặt cửa van cống.

+ Cống Tân Thuận (đạt 96%): Đã thi công hoàn thiện âu thuyền, buồng bơm, bến neo phía quận 7, trụ tháp, cầu công tác, dầm van; đã lắp đặt 01/01 cửa van chính của cống.

+ Cống Phú Xuân (đạt 97%): Đã thi công xong trụ pin và trụ tháp, dầm van, cầu công tác; đã lắp đặt xong 02/02 cửa van.

+ Cống Mương Chuối (đạt 92%): Đã thi công xong các trụ pin, tháp van, âu thuyền, dầm đáy, cầu công tác, đã lắp đặt được 04/04 cửa van chính.

+ Cống Cây Khô (đạt 91%): Đã thi công xong hạng mục trụ Pin, dầm đáy, âu thuyền, cầu công tác, đã lắp đặt xong 02/02 cửa van chính.

+ Cống Phú Định (đạt 96%): Đã thi công xong âu thuyền, buồng bơm, trụ tháp, dầm van, đã lắp đặt 01/01 cửa van chính của cống.

+ Đê/kè (đạt 85%): Tuyến đê bao ĐB1, ĐB2, ĐB3 đang tiến hành công tác hoàn thiện, tuyến ĐB4 đang thi công.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục