Trung - Mỹ “khai hỏa”, giới đầu tư nháo nhào tìm nơi trú ẩn

(ĐTCK) Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang lên mức độ mới khiến giới đầu tư hoảng loạn trong phiên cuối tuần, kéo các thị trường lao dốc, trong khi các tài sản trú ẩn an toàn như vàng tăng vọt trong phiên cuối tuần qua (23/8).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Lúc đầu, mọi sự chú ý đều tập trung về Jackson Hole, nơi diễn ra Hội nghị các Thống đốc ngân hàng trung ương của Mỹ và Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu tại đây. Giới đầu tư chờ đợi bài phát biểu này để có thể dự đoán được chính sách của Fed trong tương lai. Tuy nhiên, mọi thứ đã đảo ngược hoàn toàn với những “phát súng” qua lại của Mỹ và Trung Quốc làm leo thang cuộc chiến thương mại.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Fed nhắc lại cam kết Fed sẽ hành động một cách thích hợp để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng ông từ chối thực hiện cắt giảm lãi suất mạnh như yêu cầu của Tổng thống Trump.

Sau bài phát biểu này, ông Trump viết trên Twitter rằng, ông Powell là kẻ thù của kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc đánh thuế 5% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ kể từ ngày 1/9 tới đã khiến ông Trump nỗi giận thật sự. Ngay sau khi Trung Quốc đưa ra thông tin này, ông Trump đã quyết định tăng thuế từ 25% lên 30% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời áp thuế 15% với 300 tỷ USD hàng hóa khác từ ngày 1/10 tới thay vì mức 10% như thông báo hôm 1/8.

Ngay sau khi cuộc chiến thương mại leo thang, giới đầu tư đã ồ ạt bán tháo, đẩy phố Wall có thêm phiên lao dốc mạnh trong ngày giao dịch cuối tuần.

Kết thúc phiên 23/8, chỉ số Dow Jones giảm 623,34 điểm (-2,37%), xuống 25.628,90 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 75,84 điểm (-2,59%), xuống 2.847,11 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 239,62 điểm (-3,00%), xuống 7.751,77 điểm.

Những nỗ lực của 3 phiên trong tuần đã bị xóa hết hoàn toàn sau phiên lao dốc cuối tuần, khiến phố Wall có tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 0,99%, S&P 500 giảm 1,44% và Nasdaq Composite giảm 1,83%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực lúc đầu cũng hồi phục khá tốt và tưởng chừng thị trường sẽ có phiên giao dịch cuối tuần khả quan, thì những “phát súng” báo hiệu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang lên mức độ mới khiến giới đầu tư giật mình và ồ ạt bán ra, đẩy các chỉ số lao mạnh cuối phiên.

Kết thúc phiên 23/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 33,20 điểm (-0,47%), xuống 7.094,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 135,53 điểm (-1,15%), xuống 11.611,51 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 61,37 điểm (-1,14%), xuống 5.326,87 điểm.

Tuy có số phiên giảm nhiều hơn số phiên tăng, nhưng nhờ phiên khởi sắc hôm thứ Tư, chứng khoán châu Âu lại đảo chiều tăng điểm sau 3 tuần tăng liên tiếp, ngoại trừ chứng khoán Anh. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,31%, tuần giảm thứ 4 liên tiếp, trong khi đó, chỉ số DAX tăng 0,42%, chỉ số CAC 40 tăng 0,49%.

Trong khi đó, đóng cửa trước khi những “phát súng” leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khai hỏa, chứng khoán châu Á lại tăng điểm với kỳ vọng Mỹ - Trung sẽ nối lại đàm phán sau thông tin 2 nước đã có những cuộc hội đàm qua điện thoại với những điều “tích cực” và sẽ đàm phán trực tiếp vào cuối tháng này.

Kết thúc phiên 23/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 82,90 điểm (+0,40%), lên 20.710,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,99 điểm (+0,49%), lên 2.897,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 130,61 điểm (+0,50%), lên 26.179,33 điểm..

Với các phiên tăng liên tiếp, chứng khoán châu Á đã đảo chiều tăng điểm trong tuần qua, chấm dứt chuỗi tuần giảm liên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei tăng 1,43% sau 3 tuần giảm liên tiếp. Chỉ số Hang Seng tăng 1,73%, chấm dứt chuỗi tuần giảm thứ 4 liên tiếp và chỉ số Shanghai Composite tăng 2,61%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp.

Trong khi đó, đang giao dịch lình xình suốt phiên Á - Âu, ngay khi bước vào phiên Mỹ, nhất là vào giữa phiên trưa khi những “phát súng” giữa 2 bên nỗ ra đánh dấu những bước leo thang mới cho cuộc chiến thương mại, khiến giới đầu tư lũ lượt tìm tới vàng để trú ẩn, đẩy giá kim loại quý này tăng vọt.

Kết thúc phiên 23/8, giá vàng giao ngay tăng 29,1 USD (+1,94%), lên 1.526,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 29,1 USD (+1,93%), lên 1.537,6 USD/ounce.

Giá vàng có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 0,91% và 0,92%.

Giới đầu tư và chuyên gia tiếp tục kỳ vọng lớn vào đà tăng của giá vàng trong tuần mới, nhưng do cuộc thăm dò kết thúc trước khi thương chiến leo thang, nên mức kỳ vọng không quá lớn so với tuần trước đó.

Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời, có 10 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 67%, cao hơn so với mức 59% của tuần trước. Số người dự báo giảm là 1 người, chiếm 6%, thấp hơn con số 18% của tuần trước. Có 4 người dự báo đi ngang, chiếm 27%.

Trong khi đó, trong 866 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 524 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 54%, thấp hơn so với con số 71% của tuần trước; 183 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 25%, cao hơn so với mức 15% của tuần trước và 159 người dự báo giá đi ngang, chiếm 21%.

Trong khi đó, cũng giống như chứng khoán, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang đã đẩy giá dầu thô lao dốc trong phiên cuối tuần. Trong cuộc chiến này, dầu thô chính là mặt hàng của Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế 5% kể từ ngày 1/9 tới. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng của giá dầu thô Brent ít hơn so với giá dầu thô Mỹ.

Kết thúc phiên 23/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,18 USD (-2,13%), xuống 54,17 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,58 USD (-0,98%), xuống 59,34 USD/thùng.

Sau tuần hồi phục trước đó, giá dầu thô Mỹ nhanh chóng đảo chiều giảm 1,28% trong tuần qua, trong khi giá dầu thô Brent dù giảm 2 phiên cuối tuần, nhưng vẫn có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,19%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục