Cụ thể, trong kỳ kinh doanh quý II, doanh thu thuần hợp nhất của Trung An chỉ đạt 792 tỷ đồng, giảm 12,6%. Nhờ tiết kiệm 14% giá vốn hàng bán nên lợi nhuận gộp đạt 68,3 tỷ đồng, tăng 7%. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 7,1% lên 8,6%.
Kỳ này, tất cả các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận tăng lần lượt 16%, 206% và 5%, dẫn tới lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 56% xuống còn 14,7 tỷ đồng.
Công ty cho biết, các khoản chi phí, hoạt động tăng chủ yếu do ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 bùng phát và đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Một số Công ty, nhà máy, xí nghiệp rơi vào tình trạng ngừng sản xuất, đóng cửa tạm thời… từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng liên tục, gia tăng chi phí bán hàng.
Ngoài ra, giá cước vận chuyển quốc tế tăng gấp 2,3 lần đối với các thị trường Châu Á và gấp 3 lần đối với thị trường Châu Âu.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Trung An chỉ đạt hơn 17 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TAR đạt 1.299 tỷ đồng, giảm 21,2%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế kéo xuống còn 20,8 tỷ đồng, giảm 68%.
Năm 2021, TAR đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng và 105 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 29% và 26% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, sau nửa đầu năm 2021, TAR mới thực hiện được 35% chỉ tiêu doanh thu và 20% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 1.771 tỷ đồng, tăng 29% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng 18% lên 774,4 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng đột biến 322% lên 291,8 tỷ đồng. Mặt khác, nợ phải trả cũng tăng 48% lên 1.164,1 tỷ đồng; đặc biệt vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng tăng mạnh lên 992,4 tỷ đồng, tương đương 42%.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/8, cổ phiếu TAR tăng 6,7% lên 15.900 đồng/CP; khối lượng giao dịch đạt 435.014 đơn vị.