Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, thực hiện tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Thanh Phong, cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về tội “Nhận hối lộ”.
Cùng nhận hối lộ trong đường dây này còn có các bị can thuộc Cục An toàn thực phẩm, gồm: Đinh Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Nguyễn Thị Minh Hải, Phó giám đốc; Lê Thị Hiên, Chuyên viên 2; Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc.
![]() |
Từ trái qua: Các bị can Nguyễn Thanh Phong, Đinh Quang Minh, Nguyễn Thị Minh Hải, Lê Thị Hiền, Cao Văn Trung. Ảnh: BCA |
Kết quả điều tra bước đầu xác định, từ năm 2016, Nguyễn Năng Mạnh cùng Đỗ Mạnh Hoàng, Khúc Minh Vũ tổ chức, điều hành 9 công ty, nhà máy MediPhar và Nhà máy MediUSA, chuyên sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả với số lượng đặc biệt lớn, chủng loại đa dạng.
Theo quy định, để sản xuất thực phẩm chức năng, nhà máy sản xuất phải được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thẩm định, cấp Giấy chứng nhận GMP với thời hạn 3 năm. Cùng với đó, điều kiện để tiêu thụ thực phẩm chức năng trên thị trường là sản phẩm phải được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy phép công bố sản phẩm.
![]() |
Số lượng thực phẩm chức năng giả, nguyên liệu bị phát hiện, thu giữ lên tới 100 tấn. |
Do không đáp ứng đủ điều kiện, Nguyễn Năng Mạnh và Đỗ Mạnh Hoàng (Giám đốc Công ty MediPhar) đã chi hơn 1 tỷ đồng cho Đoàn kiểm tra thẩm định (do Cục An toàn thực phẩm chủ trì), để được ghi giảm số lỗi khi thẩm định, hướng dẫn cách khắc phục, cho thời gian để khắc phục lỗi.
Thêm vào đó, để các công ty của Mạnh được cấp phép công bố sản phẩm, không phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, Mạnh và Hoàng cũng chỉ đạo nhân viên đưa gần 2,1 tỷ đồng cho chuyên viên tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép công bố sản phẩm thuộc Cục An toàn thực phẩm.
![]() |
"Trùm" đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả Nguyễn Năng Mạnh (ảnh trái) và đồng phạm. |
Quá trình khắc phục lỗi, Công ty MediUSA và Công ty MediPhar chỉ thực hiện qua loa, mang tính hình thức, đối phó; trong khi Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc cũng chỉ đánh giá báo cáo khắc phục tồn tại của hai công ty trên hồ sơ và ảnh chụp do 2 công ty gửi, không kiểm tra tính xác thực.
Từ đó, Cục An toàn thực phẩm cấp 4 Giấy chứng nhận GMP cho Công ty MediUSA và Công ty MediPhar; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này sản xuất thực phẩm giả với số lượng lớn.
Ngoài ra, lãnh đạo, nhân viên Cục An toàn thực phẩm còn tạo điều kiện cấp phép 207 sản phẩm cho 9 nhóm công ty của Nguyễn Năng Mạnh, gồm: MediPhar, Mediusa, MegaLife, Việt Đức, Mega Pharco, Việt Pháp, Liên doanh USA, PharmaCist và Vita Phar.