Trục Hồ Tây - Ba Vì: Sẽ không tạo “sóng” cho thị trường bất động sản

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được công bố và trưng bày. Tuy nhiên, trục Hồ Tây - Ba Vì được xác định với mục tiêu trái ngược với sự đồn đoán. Với chức năng mới, trục này sẽ không tạo “sóng” cho thị trường bất động sản khu vực mà tuyến đường đi qua.
Với những chức năng mới, trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ không tạo “sóng” cho thị trường bất động sản. Trong ảnh: Trung tâm huyện Ba Vì

Không phải cứ vẽ đường là để khai thác quỹ đất

Khi trao đổi về trục giao thông này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, Hồ Tây - Ba Vì là một trục cảnh quan, có thể làm hoặc không làm. Trước hết, trục Hồ Tây - Ba Vì là một trục giao thông. Còn trong đồ án quy hoạch, nhất là đối với phạm vi rộng như Hà Nội sau mở rộng thì nhất định sẽ còn những vùng đất chưa phát triển, thậm chí không phát triển. Quy hoạch không chỉ để ý đến "vẽ" những khu vực phát triển. Mà làm quy hoạch chính là để khai thác nguồn lực từ đất đai, bởi đây là tài nguyên quốc gia. "Chúng ta chưa khai thác, chưa dùng đến cũng có thể coi như ta đang cất trong kho, đang dự trữ. Trục Hồ Tây - Ba Vì không phải chỉ để đi đến vùng chân núi Ba Vì, vấn đề này tôi đã báo cáo trước Quốc hội" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, trước hết khi vẽ ra một con đường là để phục vụ giao thông, đi lại chứ không cứ là để khai thác quỹ đất. Trục Hồ Tây - Ba Vì khi được xác định cũng mang ý tưởng tạo ra một trục cảnh quan, tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị (đoạn đường đôi thẳng trong bản vẽ qui hoạch). Đấy là ý tưởng của người qui hoạch, việc đó rất bình thường, đơn giản là người lãnh đạo, quản lý có thể cần hoặc không cần, có thể không hợp lý, có thể làm hoặc không làm.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, điểm đầu của Trục Hồ Tây - Ba Vì là đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), điểm cuối là tại nút giao với đường 21. Quy mô mặt cắt tuyến đường sẽ thay đổi theo suốt dọc đường đi. Có chỗ đạt 100m, có chỗ chỉ 60m, tùy thuộc địa hình, cảnh quan khu vực. Đồ án cũng không nói rõ mặt cắt cụ thể mà chỉ định hướng là sẽ xây dựng mới Trục Hồ Tây - Ba Vì. Thời gian triển khai cụ thể phụ thuộc vào quá trình sắp xếp đầu tư của thành phố. Đồ án Qui hoạch chung chỉ xác định phương hướng như thế.

 

Có thể khai thác nhưng không hấp dẫn

Trao đổi về trục Hồ Tây - Ba Vì, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đánh giá, trục này được thảo luận nhiều lần và đưa vào trong qui hoạch như vậy là xác đáng. Bởi lẽ đây sẽ là một trục mới, định hướng phát triển không gian của đô thị, kết nối khu vực đô thị cũ với một đô thị mới. Trong đó nó thể hiện một đô thị, một trục giao thông gắn với môi trường, sinh thái.

Với cái nhìn của một người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản lý qui hoạch Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Qui hoạch - Kiến trúc Hà Nội phân tích, chỉ có đoạn từ Vành đai 3 - 4 mở rộng kết hợp đường giao thông, phát triển mạnh đoạn này. Điều này thể hiện trong bản vẽ. Từ Vành đai 3 vào đến Hồ Tây và Vành đai 4 lên đến Ba Vì khu vực Đồng Mô đường có mặt cắt quy mô nhỏ, chủ yếu bám vào đường hiện có và không thẳng tuyến như trước đây. "Như vậy gọi là trục không gian chứ không phải như trước đây. Với qui hoạch tuyến đường như thế này vẫn có thể khai thác quĩ đất hai bên nhưng không hấp dẫn. Lý do bởi đây sẽ không có những công trình tạo điểm nhấn kiến trúc mà chỉ là trục công gian, không chú trọng phát triển công trình cao tầng, công trình lớn", TS Nghiêm nói.

TS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, với mô hình mạng lưới giao thông mạng nhện, cần càng nhiều đường liên kết càng tốt. Trên cơ sở hiện trạng đường giao thông và những tuyến đường đã qui hoạch, có kế hoạch triển khai hoặc đang triển khai thì việc cần làm và nếu làm được thì đã đáp ứng được tốt nhu cầu giao thông. Đó là hoàn thiện 5 tuyến đường vành đai gồm: 1; 2; 2,5; 3; 3,5 và 4. Thêm vào đó còn cần tính đến việc đầu tư đường Vành đai 5, tuyến vành đai phục vụ cho liên kết của vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, kết nối các tuyến xuyên tâm với đường Hồ Chí Minh… "Chính bởi vậy, tôi đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Bộ Xây dựng với quan điểm về tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì là có thể làm, có thể không và chưa xác định thời gian cho việc triển khai tuyến đường này" - TS Nghiêm khẳng định. Ông phân tích thêm về hạ tầng kỹ thuật khung trong đồ án qui hoạch chung, có tính toán cho rằng cần 32 tỷ USD. Theo một số báo cáo con số này là 90 tỷ. Tuy nhiên, với thời giá như hiện nay để đảm bảo giao thông cho Hà Nội theo qui hoạch mới này, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, có thể phải cần tới 200 - 300 tỷ USD.

Trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội bộ. Cùng với trục Hồ Tây - Ba Vì, Hà Nội sẽ có hàng loạt trục giao thông mới có chức năng kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng. Đó là các trục: Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai, Đỗ Xá - Quan Sơn, Miếu Môn - Hương Sơn, Lê Văn Lương kéo dài - Chúc Sơn, trục kinh tế Bắc - Nam… và các tuyến tỉnh lộ hướng tâm quan trọng.


KTĐT

Tin cùng chuyên mục