Trong tháng 5, doanh nghiệp gia nhập thị trường đã lớn hơn số rút lui khỏi thị trường

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều đại biểu Quốc hội rất lo ngại về khó khăn của doanh nghiệp, khi mà trong 4 tháng đầu năm ghi nhận 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân một tháng có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cũng là giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cũng là giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Trong tháng 5/2024, tình hình đăng ký doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường (11.400 doanh nghiệp).

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cập nhật tại báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7.

Báo cáo này phục vụ Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình những tháng đầu năm 2024, trong ngày 29/5.

Trước đó, khi thảo luận tổ, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về khó khăn của doanh nghiệp, khi mà trong 4 tháng đầu năm ghi nhận 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân một tháng có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Một số ý kiến đề nghị phân tích, đánh giá rõ về những khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình trạng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn, đầu tư tư nhân tăng thấp; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp thành lập mới, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Tại báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc vào nhu cầu thương mại của những nước nhập khẩu, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều rủi ro từ suy thoái toàn cầu. Do vậy, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, hậu quả của dịch Covid-19 và các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Báo cáo nêu rõ, theo phản ánh của các hiệp hội và doanh nghiệp, mặc dù có một số điểm sáng như đơn hàng đang dần khôi phục, xuất khẩu tăng…, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chủ yếu do: đơn hàng đang phục hồi nhưng còn chậm; áp lực chi phí cao, đặc biệt là chi phí vận chuyển quốc tế, giá nhập nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh; khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó là áp lực gia tăng về các quy định, điều kiện kinh doanh bền vững, đặc biệt của các thị trường lớn; vướng mắc về quy định pháp lý, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và vấn đề thực thi pháp luật, tâm lý sợ sai, không dám làm, dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức.

Bộ trưởng cập nhật, trong 5 tháng năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 98.825 doanh nghiệp, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó số doanh nghiệp thành lập mới là 64.758 doanh nghiệp, tăng 4,5%, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 34.067 doanh nghiệp, tăng 3,3%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.299 doanh nghiệp, tăng 10,5%, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (66.072 doanh nghiệp, tăng 19,7%); doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 23.262 doanh nghiệp, giảm 8,8%; doanh nghiệp giải thể là 7.965 doanh nghiệp, tăng 8,4%.

Trong tháng 5/2024, tình hình đăng ký doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn. Trong tháng 5, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường (11.400 doanh nghiệp).

Khó khăn của doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cũng đã tác động đến đầu tư của khu vực ngoài nhà nước. Trong quý I/2024, đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng 4,2%, mặc dù đã phục hồi so với mức tăng 1,3% của quý I/2023, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2021 (7,9%) và năm 2022 (9,0%).

Bộ trưởng cũng nêu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp thành lập mới, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Như, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết không đầu tư dàn trải, loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công... để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa, bảo đảm nguồn cung và kiểm soát giá nguyên vật liệu, kịp thời rà soát điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất để phù hợp với mục tiêu phát triển.

Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và giải pháp thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư; nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc. Chủ động xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành cơ chế đặc thù hoặc bổ sung nguồn lực để thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia trong trường hợp cần thiết.

Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, cũng là giải pháp được nêu tại báo cáo.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục