
![]() |
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc |
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc
Sóng gió thuế quan sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam vươn mình, mạnh mẽ hơn. Nền kinh tế Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào các nền kinh tế khác. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu rất nhiều nhưng lại phụ thuộc vào nguyên vật liệu của các nước thứ ba.
Cần nhìn vào thực tế, xem lợi thế cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trong hoàn cảnh mới như thế nào. Chúng tôi rất mong các cơ quan Nhà nước có chính sách để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị gia tăng toàn cầu, làm tăng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam.
Hàng rào thuế quan sẽ xây dựng bức tranh mới về tiêu chuẩn hàng hóa toàn cầu, làm thay đổi cục diện sản xuất ở nhiều khu vực. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cần phân tích rất kỹ và chọn con đường thích hợp. Chính cơ hội này sẽ giúp Việt Nam tăng cường sự tự chủ, tăng sức mạnh nội tại, phát triển bền vững hơn.
Việt Nam sẽ phát triển, bất kể những khó khăn hay trở ngại. Với tinh thần chăm chỉ và ý chí quật cường, Việt Nam nhất định sẽ vươn lên.
Với riêng KBC, đây là cơ hội rất lớn để tiếp tục phát triển và mở rộng hợp tác với đối tác. Bên cạnh mảng bất động sản khu công nghiệp, KBC sẽ phát triển mạnh các dự án khu đô thị nhà ở thương mại, mang lại nhiều doanh thu cho Công ty.
![]() |
Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sông Hồng |
Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sông Hồng
Khó có doanh nghiệp nào có thể tồn tại với mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ đưa ra trước đây. Không chỉ các nhà sản xuất Việt Nam, nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho chuỗi dệt may, mà cả các nhà nhập khẩu Mỹ cũng phá sản.
Bởi thế, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam đặt niềm tin vào năng lực thương thuyết của Chính phủ. Về phần mình, May Sông Hồng cũng chủ động thích ứng, trong bối cảnh hiện nay phải điều chỉnh, tổ chức sản xuất thế nào, tiết kiệm chi phí ra sao, có chiến lược đầu tư nguyên phụ liệu...
May Sông Hồng đang tính toán liên doanh đầu tư cả lĩnh vực dệt vải để tự chủ một phần nguyên liệu. Với chuỗi cung ứng dệt may gồm nhà cung cấp - nhà sản xuất - nhà nhập khẩu, chúng tôi đang làm việc để thống nhất chia sẻ rủi ro tăng thuế. Mỗi nhà sẽ cần giảm đi một phần lợi nhuận, san sẻ khó khăn dù theo hợp đồng, nhà nhập khẩu phải gánh tất cả.
Hiện May Sông Hồng có 12.000 công nhân, lương trung bình đã tăng bình quân 10% trong vòng 6 tháng qua, lên mức trên 10 triệu đồng/người/tháng. Song thương trường có khắc nghiệt đến đâu, Công ty cũng ưu tiên giữ được công nhân, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho họ. Còn công nhân là còn nhà máy.
Lịch sử May Sông Hồng có nhiều giai đoạn vô cùng gian truân, song cùng nhau, chúng ta đã vượt qua. Chắc chắn lần này cũng vậy.
Mục tiêu lớn nhất được Hội đồng quản trị Công ty quyết tâm thực hiện, đó là xây dựng May Sông Hồng vững mạnh, hiệu quả, trở thành nhà cung cấp sản phẩm dệt may thời trang lớn và có uy tín trong chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu, tiếp tục đứng trong Top đầu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
![]() |
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 |
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn PC1
Năm 2025, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, nền kinh tế trong nước cũng đối mặt với không ít thách thức song được kỳ vọng có nhiều cơ hội bứt phá, tìm được “cơ trong nguy”.
Phát triển bền vững đang trở thành xu thế, định hình tư duy chiến lược trong kỷ nguyên mới. Với PC1, đây là chặng về đích quan trọng của chiến lược 2021 - 2025, tạo nền tảng vững chắc xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2026 - 2030.
Để hiện thực hóa kế hoạch, PC1 xác định rõ các trụ cột kinh doanh ưu tiên và phân bổ nguồn lực hiệu quả, bao gồm: tối ưu hóa danh mục đầu tư; nâng cao năng lực tổng thầu; chuyển đổi số & đổi mới sáng tạo; triển khai chiến lược tích hợp ESG; tăng cường quản trị rủi ro & khai thác các nguồn lực mới.
Cụ thể, Tập đoàn sẽ tập trung thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện như EPC Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên…, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia. Công ty tập trung đầu tư, kinh doanh các dự án bất động sản khu công nghiệp và nhà ở, mục tiêu trở thành trụ cột trong chiến lược 2026 - 2030; triển khai toàn diện chương trình LEAN và AI nhằm số hóa vận hành, nâng cao hiệu suất trong đầu tư kinh doanh, sản xuất, tài chính và quản trị.
Doanh nghiệp có thể có thêm thị trường mới, sản phẩm mới nhưng lĩnh vực mới thì chưa. PC1 sẽ thực hiện tái cấu trúc danh mục đầu tư, thoái vốn, giảm tỷ trọng ở những lĩnh vực manh mún, kém hiệu quả.
![]() |
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld (DGW) |
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld (DGW)
Thế mạnh của DGW sẽ được phát huy nhiều hơn khi thế giới bị hỗn loạn. Công ty đã trải qua nhiều khó khăn kể từ khi thành lập (năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á; năm 2009, môi trường lãi suất lên 20%/năm; năm 2018, đối diện khủng hoảng và giai đoạn 2019 - 2020 là đại dịch Covid-19).
Sự thật sau mỗi lần khủng hoảng, DGW càng lớn mạnh hơn. DWG đang hướng việc kinh doanh linh động, Công ty không có nhiều tài sản cố định, không có nhiều chi phí cố định nên luôn duy trì được kết quả kinh doanh tốt, không có quý nào bị lỗ.
Năm 2025, tôi tin rằng DWG sẽ lại tăng tốc. Các nhãn hàng mới, ngành hàng mới được bổ sung liên tục trong năm nay, đây là bàn đạp cho Công ty gia tăng nguồn thu và phát triển so với các đối thủ.
Giả sử Mỹ vẫn áp thuế cao với hàng hóa Việt Nam, DGW hoạt động dựa trên 100% sức cầu của nội địa nên ít bị ảnh hưởng. Có chăng là thuế quan cao sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế, sức cầu người dân có thể giảm, nhưng tôi cho rằng xác suất xảy ra rất ít.
![]() |
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) |
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC)
Năm 2025, thương mại toàn cầu có nhiều biến động và xung đột địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới tiếp tục leo thang, song tôi vẫn tin rằng, đây sẽ là năm khởi sắc của ngành xây dựng nói chung và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nói riêng.
Những tín hiệu tích cực về kinh tế vĩ mô đang xuất hiện ngày càng rõ nét. Thứ nhất, Chính phủ đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho hàng loạt dự án bất động sản nhà ở đang bị đình trệ và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Thứ hai, ngành du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi đầy triển vọng sau đại dịch. Thứ ba, năng lực cạnh tranh cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam được khẳng định, trong đó có vật liệu xây dựng và lực lượng lao động.
Cả bốn mảng nhà ở đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng, hạ tầng và công nghiệp đều có khả năng phát triển tốt trong năm 2025. Các tổ chức tư vấn quốc tế thậm chí đánh giá tỷ lệ tăng trưởng ngành xây dựng có thể cao gấp đôi so với năm 2024.
![]() |
Ông Bạch Quốc Vinh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán DSC |
Ông Bạch Quốc Vinh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán DSC
Ngành chứng khoán chịu ảnh hưởng gián tiếp từ câu chuyện thuế quan của Mỹ. Bởi nhà đầu tư e ngại triển vọng kinh doanh của các công ty liên quan đến xuất khẩu, đặc biệt là những công ty có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ chịu tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP.
Tuy vậy, hệ thống KRX vận hành từ ngày 5/5 tới. Đây là điều giới đầu tư chờ đợi nhất trong nhiều năm qua. Hệ thống mới được kỳ vọng có thể gia tăng khả năng khớp lệnh tự động cao hơn, giúp rút ngắn thời gian giao dịch và tăng tính thanh khoản cho thị trường. Với việc hệ thống mới đưa vào vận hành ổn định, hiện đại sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Việc nâng cao hiệu quả giao dịch cũng giúp thu hút thêm dòng tiền vào thị trường.
Đối với DSC, sau 3 năm tái cấu trúc, năm 2024, quy mô vốn điều lệ của Công ty đạt 2.048 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 2.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 221 tỷ đồng. Trong năm 2025, DSC sẽ tăng vốn điều lệ lên 2.800 tỷ đồng, thông qua việc phát hành 34,82 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 17%), phát hành 35,34 triệu cổ phiếu chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 14,75%) và phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP.
Năm nay, DSC đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 566,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 260,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,6% và 18,3% so với kết quả năm 2024. Tính đến hết quý I/2025, Công ty ước đạt lợi nhuận trước thuế hơn 67 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept |
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept
Mỹ đang đàm phán lại với các đối tác thương mại về mức thuế đối ứng, nhưng ảnh hưởng của thuế đối ứng với chuỗi cung ứng, ngành logistics và cảng biển là khó tránh khỏi.
Các hãng tàu, hãng hàng không, công ty logistics đang phải thiết lập lại chuỗi cung ứng, tuyến vận chuyển, trong khi các nhà sản xuất phải đa dạng hoá chuỗi cung ứng và dịch vụ, tìm kiếm thị trường thay thế.
Gemadept đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với diễn biến thuế quan và thị trường. Công ty còn nhiều tiềm năng về mở rộng công suất cảng, tối ưu hệ sinh thái cảng và logistics.
Trong thời gian tới, Công ty sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác toàn cầu, tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực cốt lõi và các dự án tầm cỡ quốc gia.
Là doanh nghiệp hàng đầu ngành cảng và logistics, với nền tảng phát triển 35 năm, Gemadept luôn vững tâm thế, duy trì đà tăng trưởng.
![]() |
Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans) |
Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans)
Do Chính phủ Mỹ tạm hoãn áp dụng chính sách thuế đối ứng trong 90 ngày, nên ở thời điểm hiện tại, mức độ tác động của thuế quan tới hoạt động vận tải chưa lớn. Công ty đã rà soát toàn bộ danh mục khách hàng, các hợp đồng hiện hữu, kể cả hợp đồng dài hạn, vì trong bối cảnh thị trường biến động, có thể phát sinh các điều khoản chấm dứt sớm. Việc rà soát, đánh giá rủi ro đang được cập nhật hàng ngày. Hiện nay, mặt bằng giá cước có giảm nhẹ nhưng chưa tới mức báo động.
Theo đánh giá, thuế quan hiện nay là yếu tố mang tính ngắn hạn. Sau giai đoạn “rung lắc”, thị trường sẽ dần ổn định trở lại. Yếu tố then chốt trong dài hạn vẫn là cung - cầu hàng hóa toàn cầu và tăng trưởng kinh tế.