Trọng điểm chiến lược tương lai của các định chế tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ vài năm nữa, việc lấy dữ liệu làm trung tâm sẽ dẫn dắt hầu hết các quyết định, quy trình và tương tác kinh doanh quan trọng nhất trong các định chế tài chính hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn cầu.
Trọng điểm chiến lược tương lai của các định chế tài chính

Đầu tư cho dữ liệu tăng đáng kể

Để trở thành một tổ chức lấy dữ liệu làm trung tâm, các định chế tài chính tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần phải coi trọng giá trị của dữ liệu ngang bằng nguyên vật liệu hay doanh số bán hàng. Điều này đòi hỏi các tổ chức phải có một khoản đầu tư đáng kể, nhưng nó cũng giúp họ vượt trội hơn các đối thủ cạnh tranh chưa chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình.

Vậy “lấy dữ liệu làm trung tâm” là gì? Lấy dữ liệu làm trung tâm là quá trình sử dụng dữ liệu như một tài sản được chia sẻ để tạo ra các thông tin và hiểu biết kinh doanh sâu sắc, phục vụ cho khách hàng và các bên liên quan, nhằm liên tục cải thiện các quyết định, quy trình, sản phẩm và dịch vụ của tổ chức. Theo Khảo sát EY Tech Horizon 2022, chỉ có 16% các tổ chức nói rằng họ lấy dữ liệu làm trung tâm, mặc dù tỷ lệ đó dường như đang tăng lên.

Các cơ quan quản lý trên khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ đang kỳ vọng các định chế tài chính chia sẻ dữ liệu ngày càng chi tiết, nhanh hơn và với tần suất lớn hơn. Các định chế tài chính cũng phải đối mặt với các quy định về quyền riêng tư dữ liệu. Ví dụ tại Việt Nam, ngày 17/4/2023, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân và có hiệu lực ngày 1/7/2023.

Ông Sayantan Choudhury, Phó tổng giám đốc Tư vấn công nghệ, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam

Ông Sayantan Choudhury, Phó tổng giám đốc Tư vấn công nghệ, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam

Khảo sát Tech Horizon của EY, được thực hiện 2 năm một lần, nhằm đưa ra những câu trả lời và hành động quan trọng, giúp các giám đốc công nghệ thông tin (CIO) định hình lại tương lai tổ chức của mình. Khảo sát mới đây nhất cho thấy, các công ty được xem là thành công đang có những bước nhảy vọt trong việc xây dựng một tổ chức lấy dữ liệu làm trung tâm để cải thiện mọi quyết định, quy trình và tương tác kinh doanh. Các tổ chức này liên tục học hỏi trong quá trình hoạt động. Họ có năng lực dự đoán và khả năng hợp tác cao, cũng như có năng lực vượt xa các đối thủ cạnh tranh.

Khảo sát cho thấy, dữ liệu và phân tích là lĩnh vực công nghệ được các định chế tài chính tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầu tư cao thứ hai, chỉ sau blockchain, với mức đầu tư đã tăng đáng kể từ năm 2020.

Đích đến: Dữ liệu học hỏi và phát triển

Đối với nhiều công ty, dữ liệu tồn tại dưới dạng những mẩu thông tin riêng biệt. Chỉ một phần dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc được sử dụng. Rất nhiều thông tin được sử dụng thường đã lỗi thời, hoặc không cập nhật như báo cáo tài chính hàng quý và báo cáo bán hàng hàng tháng. Tình trạng thông tin rời rạc không chỉ ngăn cản khả năng tương tác và tích hợp, chúng còn ngăn cản sự hiểu biết sâu sắc ở cấp doanh nghiệp và gây ra tình trạng dữ liệu xung đột. Rất nhiều công ty mà tôi tiếp xúc còn tự hỏi liệu họ có thể tin tưởng vào hiểu biết kinh doanh sâu sắc được tạo ra từ dữ liệu khi mà họ thường xuyên gặp phải tình trạng dữ liệu xung đột do công tác quản trị dữ liệu kém.

Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML), dữ liệu sẽ không còn ở tình trạng tĩnh nữa. Các hệ thống AI, kết hợp với ML, đang chuyển đổi dữ liệu để nó có thể tự học, tự làm sạch và thu thập dữ liệu bổ sung khi khách hàng và điều kiện thị trường thay đổi.

Dữ liệu sẽ chuyển từ trạng thái tĩnh sang thời gian thực trên nhiều thiết bị, nguồn bên trong và nguồn bên ngoài. Điều này không chỉ giúp các báo cáo trở nên cập nhật hơn. Tốc độ cao của mạng lưới 5G và IoT sẽ mở ra cánh cửa cho những “cơn lũ” đổi mới sáng tạo. Nếu như trước đây, chúng ta từng nghĩ ô tô tự lái và phẫu thuật điều khiển từ xa là điều viển vông thì cả hai đều đang xảy ra trong thực tế.

Cũng như điện toán đám mây (cloud), AI đóng vai trò là bệ phóng cho các sáng tạo mang tính đột phá, các công nghệ mới nổi như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng hình ảnh cũng như các công cụ cung cấp khuyến nghị và dự báo được sử dụng trong các phân tích tiên tiến ngày nay.

Thách thức: một thế hệ mới trong quản trị dữ liệu

Khảo sát mới đây của EY cho thấy, các công ty được xem là thành công đang có những bước nhảy vọt trong việc xây dựng một tổ chức lấy dữ liệu làm trung tâm để cải thiện mọi quyết định, quy trình và tương tác kinh doanh.

Dù lợi ích mang lại từ việc lấy dữ liệu làm trung tâm là vô cùng lớn, vẫn sẽ có những thách thức quan trọng cần phải cân nhắc. 99% công ty báo cáo có rào cản đáng kể về dữ liệu và công nghệ trong quá trình thực hiện chuyển đổi. Các giám đốc điều hành được khảo sát cho rằng, chi phí công nghệ cao là thách thức số 1 (chiếm 35% trong tổng số thách thức công nghệ) để đạt được sự chuyển đổi. Yếu tố chi phí bao gồm quy mô dữ liệu lớn hơn, nhu cầu về sức mạnh tính toán cao hơn và phải tăng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.

Mặc dù chi phí ngày càng tăng nhưng chúng được bù đắp nhờ hiệu quả cao hơn trong khả năng siêu hội tụ và ảo hóa của cơ sở hạ tầng hiện có. Bằng cách áp dụng các nền tảng dữ liệu hiện đại và dần ngừng hoạt động các hệ thống cũ, các công ty sẽ giảm đáng kể được chi phí cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của mình.

Yêu cầu bảo mật và quyền riêng tư cũng đặt ra không ít thách thức cho các tổ chức tham gia khảo sát khi nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng và những bên liên quan đều có thể tiếp cận dữ liệu trung tâm. Đây được coi là thách thức lớn thứ hai, chiếm 27% số người tham gia khảo sát. Tổ chức tập trung vào dữ liệu không chỉ phải tăng cường các biện pháp tấn công và phòng thủ an ninh mạng, mà còn phải mở rộng nhiều nhóm đối tượng khác nhau tiếp cận dữ liệu trung tâm.

Cũng theo khảo sát, một thách thức lớn khác, liên quan tới vấn đề vận hành, đó là sự phức tạp khi kết nối và tích hợp dữ liệu làm trung tâm với một loạt hệ thống dữ liệu đa dạng khác (chiếm 25% số người tham gia khảo sát). Đây cũng là yếu tố đóng góp chính vào chi phí công nghệ.

Vượt ngoài vấn đề về chi phí, để có một hệ thống dữ liệu làm trung tâm thực sự, các tổ chức cần tổng hợp và phân loại dữ liệu từ hàng nghìn hệ thống thông tin doanh nghiệp, nhà cung cấp, khách hàng, thị trường và cơ quan quản lý, cũng như hệ thống kiểm soát nội bộ, thiết bị IoT và mạng cảm biến.

Bên cạnh những thách thức, rất nhiều tổ chức đang tìm thấy cơ hội kinh doanh từ việc lấy dữ liệu làm trung tâm. Thực tế, ngày càng có nhiều tổ chức phát triển các chiến lược dữ liệu đang tạo ra các mô hình hoạt động có doanh thu mới, bao gồm cả những mô hình trong đó các tổ chức thương mại hóa dữ liệu của mình.

Một trong những cơ hội mới trong lĩnh vực này là những hệ sinh thái dữ liệu được tạo ra giữa các tổ chức để bán các tập dữ liệu và mô hình dữ liệu hoặc thông tin phân tích chuyên sâu đã được xử lý và phân loại theo yêu cầu khách hàng.

Để kết luận, dữ liệu chỉ có giá trị khi nó được chuyển thành hiểu biết kinh doanh sâu sắc và hỗ trợ việc đưa ra quyết định dựa vào thông tin. Với việc mở rộng số lượng người dùng dữ liệu, các nhà hoạch định chiến lược dữ liệu nên ưu tiên mạnh mẽ cho việc “dân chủ hóa” dữ liệu, tức làm cho dữ liệu trở nên thân thiện hơn với người dùng và có thể truy cập được thông qua nhiều loại thiết bị, hoặc thông qua các lập trình viên không chuyên (citizen developers). Ngoài ra, dữ liệu đang được sử dụng cần phải đáng tin cậy và để đảm bảo dữ liệu đáng tin cậy, dữ liệu đó cần được quản trị tốt. Chỉ có dữ liệu đáng tin cậy mới tạo ra những hiểu biết kinh doanh sâu sắc có thể tin cậy đượcn

•Quan điểm trong bài viết là của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.

Sayantan Choudhury

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục