Trông chờ vào xuất bản điện tử

0:00 / 0:00
0:00
Xuất bản điện tử sẽ là “miền đất mới”, là lối thoát cho ngành xuất bản trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Trông chờ vào xuất bản điện tử

Vật lộn với khó khăn

“Năm 2021, hoạt động phát hành xuất bản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều cơ sở phát hành bị gián đoạn kinh doanh trong thời gian dài, doanh thu không có, khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh còn thấp”, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận định về ngành xuất bản năm 2021.

Số liệu từ Bộ TT&TT cho thấy, năm 2021, doanh thu xuất bản ước đạt 2.600 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 2.665 tỷ đồng của năm 2020, giảm mạnh so với doanh thu 4.326 tỷ đồng của năm 2019. Năm 2021, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) đã cấp 4.515 giấy xác nhận đăng ký xuất bản (giảm 11%), cấp 5 đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cho các nhà xuất bản.

Dịch bệnh hạn chế di chuyển, các cửa hàng phải đóng cửa theo yêu cầu đã khiến hoạt động kinh doanh của các nhà xuất bản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các đơn vị xuất bản, hàng loạt cửa hàng, siêu thị sách tại Hà Nội, TP.HCM phải đóng cửa hoàn toàn. Điển hình như Nhã Nam đóng cửa 6 nhà sách, doanh thu chỉ đạt 76% so với năm 2020. Doanh thu cả năm 2021 của Nhã Nam chỉ đạt 105 tỷ đồng, giảm 23% so với kế hoạch 130 tỷ đồng. Hay như Fahasa, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, đã phải đóng cửa 80/117 nhà sách, doanh thu tháng 4 và tháng 5/2021 gần như bằng 0…

Đứng trước khó khăn đó, các nhà xuất bản đã tăng cường kênh phát hành, bán sách online.

Ông Phạm Nam Thắng, quyền Tổng giám đốc Fahasa cho biết, trong thời gian dịch bệnh, vì hạn chế mua bán trực tiếp nên thương mại điện tử của Fahasa phát triển vượt bậc. Doanh thu thương mại điện tử năm 2021 tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Sự bùng nổ về doanh thu ở kênh thương mại điện tử, dù không thể bù đắp hoàn toàn cho hệ thống, là điểm tựa tồn tại cho các nhà xuất bản sách trong dịch bệnh.

Bà Nguyễn Kim Thoa, Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt chia sẻ, Tân Việt đã đẩy mạnh bán sách trên kênh online, thực hiện một số giải pháp như phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh bán sách vào nhóm khách hàng là doanh nghiệp, tập đoàn, cơ quan, tổ chức. Ngoài các sàn thương mại lớn, Tân Việt cũng đưa sách vào các đại lý cá nhân bán trực tuyến. App Nhà sách Tân Việt đã được đầu tư thực hiện một thời gian, đang nâng cấp và sẽ là một kênh chủ động bán sách trực tiếp đến khách hàng trong năm 2022.

Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cũng cho hay, đơn vị này đã tập trung cải tiến và giới thiệu sách trên sàn thương mại điện tử sách giấy (Book365.vn) và nền tảng xuất bản điện tử (ebook365.vn); đưa kế hoạch chuyển đổi số vào chương trình hành động “Chuyển đổi số trong chiến lược phát triển của nhà xuất bản”.

“Trong số 601 đầu sách mà đơn vị đã thực hiện trong năm qua, 319 là số lượng sách giấy và ebook là 282. Tổng số ebook đạt 47%, trong khi kế hoạch được giao là 40%”, ông Đạt nói.

Kỳ vọng nào cho năm 2022

Ngành xuất bản vốn bị cho là ngành không thiết yếu, dù là sách vở, giáo trình cho học sinh - sinh viên, chính vì vậy, việc “sống sót” được trong bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, vận chuyển hàng hóa khó khăn, hạn chế tiếp xúc và tụ tập đông người, giá giấy tăng, chi phí tăng, in lậu sách vẫn tồn tại… buộc các đơn vị xuất bản phải tìm giải pháp mới. Cánh cửa mới được các nhà xuất bản kỳ vọng sẽ phát triển đột phá trong năm 2022 là xuất bản điện tử.

Ông Trần Chí Đạt đánh giá, một trong những vấn đề tồn đọng dễ nhận thấy trong năm 2021 là chưa có nhiều đơn vị tham gia thực hiện xuất bản phẩm điện tử. Xuất bản điện tử phát triển còn chậm do khả năng ứng dụng công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Theo ông Đạt, các nhà xuất bản cần nhanh chóng chuyển đổi phương thức xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử theo hướng hiện đại, phù hợp xu thế hội nhập. Nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng hệ thống dữ liệu quản lý của lĩnh vực xuất bản, in và phát hành để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số.

Cùng với đó là tăng số lượng các nhà xuất bản và đơn vị phát hành tham gia thực hiện xuất bản phẩm điện tử; đầu tư chủ lực cho những xuất bản phẩm có giá trị cao, quan trọng, phục vụ phát triển đất nước; đẩy mạnh liên kết giữa nhà xuất bản với các đơn vị phát hành mạnh, từ đó hình thành chuỗi liên kết đủ năng lực dẫn dắt thị trường.

Ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty sách Omega Plus cũng cho rằng, các đơn vị cần có sự thay đổi về tư duy, thay vì níu kéo sách giấy, xem sách giấy là số một, thì bây giờ phải cấp thiết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Kinh nghiệm từ thị trường TP.HCM năm qua cho thấy, dù đã chuyển hướng sang bán sách online, nhưng do giãn cách xã hội nên việc giao nhận, vận chuyển bị bế tắc, ùn ứ. Trong khi đó, sản phẩm nội dung số với những định dạng khác nhau lại có ưu thế vượt trội, không bị hạn chế bởi tính vật chất cần phải giao nhận hay vấn đề giao thông, thậm chí là phi biên giới.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Kim Thoa nhận xét, trong bối cảnh diễn biến Covid-19 còn phức tạp, sức mua của thị trường bị thu hẹp thì xuất bản điện tử sẽ là lối thoát, là định hướng phát triển lâu dài của các đơn vị xuất bản, phát hành sách. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới trong những năm gần đây.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 2219/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sách quốc gia giai đoạn 2022-2026. Chương trình hướng tới xuất bản mới và tái bản 500 đầu sách dưới dạng xuất bản phẩm điện tử.

Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến năm 2026, sẽ xây dựng trang tin điện tử và phần mềm ứng dụng trên thiết bị máy tính, điện thoại di động để lưu trữ và phát hành sách điện tử của Chương trình Sách quốc gia.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục