Chưa bao giờ việc thực hiện quyết liệt như vậy
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương đã hết sức cố gắng và nỗ lực.
Chính phủ đã ban hành tổng cộng khoảng 20 nghị định, 1 chỉ thị, 7 công điện, thành lập 5 tổ công tác, 26 đoàn công tác, phân công cho tất cả các thành viên Chính phủ phải xuống từng địa phương để giải quyết các ách tắc, vướng mắc, khó khăn của từng dự án đầu tư công, của từng dự án thuộc Chương trình phục hồi.
“Chưa bao giờ làm quyết liệt như thế và vì vậy mới có được cái kết quả như đã có”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ. Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ban hành 10 công điện và 20 văn bản hướng dẫn.
Ngay khi bắt đầu phần giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm rõ là phát biểu trong vai trò là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là cơ quan theo dõi thực hiện Chương trình, không phải là cơ quan trực tiếp thực hiện Chương trình và cả với tư cách là cơ quan theo dõi về đầu tư công.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận các vấn đề đại biểu đã nêu, cũng như đã được phân tích trong Báo cáo giám sát của Quốc hội, đó là còn chậm trễ trong thực hiện.
“Nhiều đại biểu đặt vấn đề rất đúng là tại sao thủ tục chúng ta cứ vướng mãi, kỳ họp nào cũng nói, đó là thực tế. Rồi kinh nghiệm, năng lực của chúng ta còn hạn chế, phối hợp giữa các cơ quan còn bất cập và chưa tốt. Bên cạnh đó thì tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong thời gian gần đây cũng là nguyên nhân làm cho các kết quả thực hiện một số chính sách còn chậm, một số chính sách chưa hiệu quả, một số chính sách chưa thực hiện được...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cụ thể, liên quan đến danh mục dự án phải trình lại nhiều lần, Bộ trưởng cho biết, có nguyên nhân được nhìn nhận là từ thực tế, khi xây dựng Chương trình và quy trình, thủ tục trong thực thi.
Thứ nhất, chủ trương, các gói hỗ trợ đến danh mục các dự án, nguyên tắc, tiêu chí để lựa chọn dự án đều được xây dựng bài bản, báo cáo Chính phủ trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, danh mục khi trình ban đầu để xin chủ trương của Quốc hội là danh mục dự kiến, để xác định số vốn cần thiết và phải đảm bảo được thời gian ban hành Nghị quyết. Vì vậy, khi Quốc hội cho chủ trương, Chính phủ xây dựng chi tiết, thấy cần điều chỉnh, nên mới có sự thay đổi.
Thứ hai, nhiều dự án phức tạp, nhưng không có cơ chế rút gọn, nên thời gian chuẩn bị dài. Theo quy trình, dự án nhóm C phải mất 3 năm thực hiện, nhóm B là 4 năm, nhóm A là từ 5 đến 6 năm, riêng thời gian chuẩn bị dự án phải mất 1-2 năm, trong khi thời gian của Chương trình là 2 năm thì không thể kịp được. Nghĩa là, nếu lấy theo thời gian của chương trình sắp vào quy trình triển khai của các dự án nhóm A, B, C thì chắc chắn là chậm.
“Về vấn đề này, xin mạn phép Thủ tướng cho phép sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến này”, Bộ trưởng báo cáo.
Cụ thể, một mặt, sẽ đôn đốc, thúc đẩy các dự án chưa hoàn thành thủ tục thì nhanh chóng, khẩn trương. Hiện nay, có 8 dự án chưa hoàn thành thủ tục, 35 dự án chưa triển khai, chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực y tế và chuyển đổi số do đặc thù phức tạp.
Mặc khác, những dự án đã xong thủ tục và đang triển khai thực hiện, sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ từ giải phóng mặt bằng cho đến tổ chức thi công để sớm đưa công trình vào khai thác hiệu quả.
Đánh giá tổng quan, Bộ trưởng cho rằng, 2 năm thực hiện một khối lượng vốn rất lớn, thời gian ngắn nhưng giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tăng trưởng, kiểm soát được lạm phát, các cân đối lớn, đảm bảo việc làm, đời sống cho người dân, cải thiện về hạ tầng giao thông, phát triển doanh nghiệp, giữ được các chuỗi sản xuất và ổn định, chuỗi cung ứng dần phục hồi.
Đó là kết quả lớn, nhưng lớn hơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến bài học kinh nghiệm quý báu rút ra được. Đó là bất kể ở trường hợp nào, chúng ta cần phản ứng chính sách nhanh, phải tiếp cận và cách xây dựng chính sách phải tốt và hiệu quả, đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống.
"Bài học này cả từ tư duy cho đến tổ chức thực hiện", Bộ trưởng nhấn mạnh.
5 bài học kinh nghiệm
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến những bài học rút ra trong quá trình triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, phải xem lại các phương thức hỗ trợ cho phù hợp. Nhiều nước hỗ trợ ngay bằng tiền mặt cho người dân, kích cầu tiêu dùng ngay.
Ngày 25/5, Quốc hội dành cả ngày để thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, một số dự án quan trọng |
“Chúng ta lại tiếp cận qua các chính sách, mà chính sách thì phải có văn bản hướng dẫn, rồi phải giám sát, thực hiện theo quy trình, thủ tục... Nhiều khi chúng ta xong thủ tục thì vấn đề không còn là thời sự nữa, hết thời gian, như nhiều đại biểu nêu”, Bộ trưởng giải trình.
Thứ hai, thời gian của chương trình ngắn thì không nên đưa các dự án lớn vào, hoặc phải cho kéo dài cái thời gian thực hiện ra.
Thứ ba, các chính sách phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thống nhất, dễ làm, dễ giám sát, dễ thực hiện.
Việc hoàn thiện thể chế về căn cơ, đồng bộ và thống nhất, không để gỡ chỗ này thì lại vướng chỗ kia. Đặc biệt, Chương trình đặc biệt thì phải có chính sách, thủ tục đặc biệt, quy trình đặc biệt, chứ không cái gì cũng phải xin cơ chế, thì không còn thời gian thực hiện.
Thứ tư, xây dựng chính sách pháp luật thì phải dựa trên niềm tin giữa Trung ương, địa phương ở trên, cấp dưới, cấp trên. Tiếp tục phân cấp phân quyền hơn, kể cả Trung ương đối với địa phương và kể cả Quốc hội đối với Chính phủ.
Ví dụ liên quan đến việc trình nhiều lần danh mục trong đầu tư trong Chương trình Phục hồi, Bộ trưởng cho rằng, nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết và chịu trách nhiệm, báo cáo Quốc hội sau khi đã được phê duyệt chủ trương. Hiện tại, Quốc hội quy định là mỗi một lần xong được thủ tục lại phải chỉnh lại Quốc hội, nếu mà giữa hai kỳ họp thì báo cáo Ủy ban thường vụ, nên mất rất nhiều thời gian.
“Quốc hội tập trung làm những vấn đề lớn, quyết sách rồi là làm thể chế, giám sát, những vấn đề chi tiết trong điều hành nên giao lại cho Chính phủ thì sẽ nhanh và Quốc hội vẫn quản lý được mục tiêu.
Thứ năm là trách nhiệm của các cơ quan, người đứng đầu trong cái việc tổ chức xây dựng chương trình và thực hiện cũng như phối hợp.
Đối với trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đang nghiên cứu, rà soát, sửa lại Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật PPP để đảm bảo các yêu cầu là rút ngắn thời gian triển khai thực hiện...