Tuy nhiên, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, động lực để kích hoạt các lợi thế này không chỉ nằm ở mong muốn, nỗ lực của chính quyền các địa phương.
Miền Trung đang khó khăn. Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay của Đà Nẵng, Quảng Nam có phải là chỉ báo để thấy, cơ cấu phát triển của các địa phương này cần phải thay đổi?
Không chỉ miền Trung suy giảm, chúng ta đều thấy rõ thực trạng khó khăn khi nhìn thấy Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau trong danh sách tăng trưởng âm. Sự sụt giảm của một tỉnh phải được giải thích cụ thể và không nên nói là vì miền Trung chăm chăm phát triển du lịch, rồi giờ phải đối mặt và phải tìm cách tiếp cận khác.
Đúng là có nguyên do từ du lịch, nhưng phải khẳng định, lợi thế phát triển du lịch của miền Trung rất rõ ràng. Ở những điểm khó khăn, có thể mở biên, tìm giải pháp cứu chữa, nhưng miền Trung vẫn phải đứng vững trên lợi thế của mình, đó là yêu cầu phát triển, không thể vì né rủi ro mà bỏ qua lợi thế...
Điều quan trọng, Nhà nước, địa phương cần có chiến lược, cơ chế phù hợp, doanh nghiệp có chiến lược thông minh hơn trong khai thác lợi thế.
Vậy, miền Trung nên tập trung vào ngành, lĩnh vực gì?
Một là du lịch đẳng cấp cao, gắn với kinh tế ban đêm.
Hai là, phát triển đô thị gắn với sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, phát triển các ngành gắn với đô thị thông minh. Đô thị thông minh không chỉ hiểu theo nghĩa quản trị, mà theo nghĩa sáng tạo.
Phải nói rõ, khu vực này không có nhiều lợi thế phát triển các ngành truyền thống. Nông nghiệp chỉ phát triển một số đặc sản gắn với đất cát, nắng gió, không theo kiểu Bắc bộ hay Nam bộ được.
Về công nghiệp, tuy có nhiều cảng, nhưng cơ sở để hình thành các ngành công nghiệp ở miền Trung rất ít, nên chỉ tập trung vào công nghiệp dựa trên kết nối, chứ không có nguồn lực phát triển công nghiệp truyền thống, dựa trên khoáng sản, nguồn nhân lực. Với các ngành công nghiệp truyền thống, phải lựa chọn dựa trên nền tảng công nghệ cao, tránh gây tổn hại tới du lịch.
Đặc biệt, tôi muốn nói về kinh tế đêm. Theo quan điểm của tôi, đây là một giải pháp chiến lược, gắn với đẳng cấp, chuẩn mực cao của đô thị du lịch biển, chứ không đơn giản là giải pháp tình thế, dù có yếu tố tình thế để vực dậy du lịch đang rất khó khăn. Nhưng lúc này, miền Trung nên đi đầu trong tổ chức kinh tế ban đêm.
Theo ông, nơi nào có thể tiến hành được ngay?
Đó là Đà Nẵng. Có thể lấy khu vực Công viên châu Á nối dài tới Bà Nà. Khu vực này rộng, nền tảng hạ tầng, dịch vụ đã có. Đường cáp treo lên Bà Nà sẽ không chỉ chạy ban ngày.
Khu Bà Nà vốn là vùng du lịch khá biệt lập, đang được thiết kế theo những chuẩn mực du lịch đẳng cấp cao. Hiện tại, du khách đến đây mới chủ yếu tận hưởng không khí, chứ chưa có những hoạt động dịch vụ hút khách, để khách tăng chi tiêu.
Nếu Đà Nẵng làm tốt, có thể đưa ra gợi ý cho những trung tâm du lịch. Nhưng cũng phải nói luôn, không thể ở đâu cũng phát triển kinh tế ban đêm và các cơ chế hiện hành cũng chưa đủ để xây dựng mô hình này.
Đang có lo ngại về nguy cơ tệ nạn, mất an ninh của kinh tế đêm. Nếu không làm, tệ nạn không ít đi. Khi kinh tế đêm phát triển, thành phố sẽ không ngủ, ánh đèn lan đến đâu, tệ nạn sẽ thu hẹp đến đó.
Khi nói về tương lai, định hướng phát triển của miền Trung, có lẽ phải nhìn vào thực tế. Đang có khó khăn đáng kể trong thực hiện dự án đầu tư, như ở Đà Nẵng…
Đây không phải là tình trạng riêng của miền Trung hay Đà Nẵng. Nếu chỉ lấy một địa phương để nói về sự chậm trễ này là không công bằng. Đây là vấn đề của hệ thống, khiến nơi nào bứt lên nhanh đều vướng phải. Có thể thấy thực trạng này ở Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Bình Dương…
Nhưng để thấy viễn cảnh đô thị thông minh, công nghiệp công nghệ cao hay du lịch đẳng cấp, gắn với kinh tế đêm đang đòi hỏi chính quyền các địa phương có những giải pháp rất khác, thậm chí là cần cơ chế đặc thù?
Sẽ phải thay đổi cả tư duy, cách làm luật, chứ không chỉ là một vài giải pháp. Vì cơ chế hiện nay chưa thúc đẩy sự sáng tạo, cách làm khác, thậm chí làm các nhà đầu tư không cảm thấy yên tâm, không dám làm. Nhưng đừng hỏi miền Trung những giải pháp, vì đây là thể chế, chính sách, pháp luật, là bài toán của hệ thống.
Với những nơi có sức vươn, muốn bung ra, muốn đổi mới thì sẽ phải phá cái cũ, phải vượt trên các quy định hiện hành. Chúng ta cần cách nhìn khác!
Thứ nhất, phải thấy rõ rào cản thể chế, phải bắt đầu từ hệ thống phân bổ nguồn lực. Nguồn lực khan hiếm, như đất đai, cộng với cơ chế xin - cho, khiến dễ phát sinh vấn đề.
Thứ hai, hệ thống cũ không dung chứa được sự bùng nổ nhu cầu về nguồn lực, yếu tố mang công nghệ đột phá.
Với một cấu trúc như vậy, muốn đột phá, không thể không vượt qua luật, nhưng cái khó là kiểm soát rủi ro cho doanh nghiệp, cán bộ nhà nước và cả khả năng bị lợi dụng tình thế.
Theo tôi, cần phải sửa cách tiếp cận trong phân bổ nguồn lực một cách cơ bản, phân bổ tài sản, nhất là đất đai. Phải sửa Luật Đất đai. Phải thay đổi hệ thống khuyến khích... Tôi muốn nhấn mạnh, đây đều là những vướng mắc ở cơ chế chung, nên không thể đòi hỏi cơ chế đặc thù. Cơ chế đặc thù chỉ phát huy khi hệ thống chung đã thống nhất, đã ổn, đặc thù để đẩy các lợi thế đi lên.
Tóm lại, động lực phát triển của miền Trung ở đâu?
Động lực nằm ở cơ chế, chính sách. Chỉ khi có cơ chế tốt, không tạo ra rủi ro, bất an, nguồn lực mới đổ vào khai thác các lợi thế một cách thông minh.