Trò chuyện với Giám đốc Tài chính SSI

(ĐTCK) “Người Việt ta có câu “sông có khúc, người có lúc”, tôi tin rằng những khó khăn hiện tại chỉ là những khúc sông nhiều đá ngầm, sóng xoáy…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà Bà Nguyễn Thị Thanh Hà

Biểu tượng của SSI là những dòng sông, con thuyền của chúng tôi có thể cũng có lúc phải vượt qua những khúc sông đầy gian nan, nhưng buồm đang tích gió, để đến lúc buồm căng vượt ra biển lớn”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Giám đốc Tài chính Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã chia sẻ với ĐTCK.

TTTCK càng khó khăn thì SSI càng được nhắc đến nhiều như một điển hình vững mạnh của một DN trong khối CTCK tại Việt Nam . Ở  vai trò của người dẫn đầu, SSI đánh giá như thế nào về cơ hội “sống” cho khối CTCK trên hiện trạng TTCK hiện nay? Dường như SSI đang “miễn dịch” với khó khăn bằng việc chuyển trọng tâm hoạt động từ việc cung cấp các dịch vụ tài chính thành một công ty đầu tư chuyên nghiệp?

Nền kinh tế và TTCK vận động theo quy luật và không thể tránh khỏi ảnh hưởng từ những chu kỳ khủng hoảng hoặc đơn giản là những giai đoạn khó khăn. TTCK Việt Nam như đứa trẻ 12 năm tuổi, sức kháng cự cả về tài và lực còn yếu ớt, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi nền kinh tế, thị trường tài chính bị tổn thương, trải qua những rúng động trên diện rộng. Trong một thị trường khó khăn như vậy, các CTCK đang trải qua những năm tháng cực kỳ vất vả. Ngoài các cơ quan chức năng là có nhiều số liệu hơn cả về các CTCK, thì chúng tôi - cũng chỉ là một trong số các CTCK - khó có thể nói rằng, sẽ có bao nhiêu CTCK “sống” được, hoặc “sống được bao lâu”.

Tuy nhiên, trong một nền kinh tế mở cửa, hướng tới sự hội nhập kinh tế thế giới, hình thái TTCK chắc chắn phải tồn tại, theo đó, sẽ tồn tại các CTCK. TTCK là kênh huy động vốn cho DN và CTCK là những thành phần khơi thông kênh đó. Trong khó khăn vẫn luôn tồn tại cơ hội cho những ai biết phát hiện và biết nắm bắt. Các CTCK cũng vậy, mặc dù cơ hội “sống” có thể chỉ đển với 40%, 30%, hay thậm chí là 20% số lượng các CTCK.

Chính phủ, các cơ quan chức năng đang triển khai những biện pháp mạnh mẽ hơn, có vẻ như siết chặt, nhưng không phải để triệt tiêu các CTCK, mà hướng tới đào thải thực thể yếu kém. Tôi cho rằng, những CTCK trụ lại và được khuyến khích, hỗ trợ phát triển là những CTCK đã và đang biết xây dựng một đội ngũ nhân viên tinh thông nghề nghiệp, giữ vững chất lượng dịch vụ, theo sát nguyên tắc minh bạch hóa, duy trì các nghiệp vụ cốt lõi, có hệ thống quản trị rủi ro tốt và có tiềm lực tài chính mạnh. Làm thế nào để xác định “tiềm lực tài chính mạnh”? Đó là CTCK duy trì một danh mục đầu tư lành mạnh, một trạng thái tiền mặt đủ sức đảm bảo thanh khoản, sinh lời đủ để duy trì chi phí vận hành và cho phép Công ty luôn sẵn sàng đầu tư khi thời điểm chín muồi. Và trên hết, Công ty cần có những người lãnh đạo giàu tâm huyết, có tầm nhìn xa, luôn sáng suốt linh hoạt xác định chiến lược phù hợp với từng hoàn cảnh và kiên định đi theo chiến lược đó.

SSI là một CTCK như vậy. Chúng tôi không “miễn dịch” với khó khăn, chúng tôi cũng “nhiễm dịch”, nhưng sức đề kháng của SSI đủ mạnh để có thể vượt qua, trụ vững và phát triển.

Với nhận định SSI “chuyển trọng tâm hoạt động” từ việc cung cấp các dịch vụ tài chính thành một công ty đầu tư chuyên nghiệp, tôi xin được đính chính: SSI đang “chuyên nghiệp hơn” bằng cách chuyên môn hóa, minh bạch hóa và đặt trọng tâm kinh doanh phù hợp với thế mạnh của từng đội ngũ. Một mặt SSI duy trì và đẩy mạnh dịch vụ tài chính truyền thống trên cơ sở không ngừng cải thiện chất lượng, tập trung quản lý những rủi ro điển hình của các dịch vụ tài chính. Đó là giá trị cốt lõi và đích thực của một CTCK. Mặt khác, SSI đã và đang chuyển hoạt động đầu tư sang Công ty Quản lý Quỹ SSIAM. 

SSIAM với thế mạnh ở đội ngũ chuyên viên được đào tạo bài bản từ những trường đại học quốc tế danh tiếng và kinh nghiệm dày dạn trong quản lý đầu tư, hơn 5 năm qua, đang thực hiện những chiến lược đầu tư linh hoạt cho SSI. Chúng tôi tự tin rằng, chiến lược đầu tư của SSIAM luôn luôn biết nắm lấy những cơ hội trong bất kỳ hoàn cảnh thị trường nào. Hiện tại, SSIAM lấy trọng tâm của nền kinh tế làm trọng tâm đầu tư. Những DN mà chúng tôi đang đẩy mạnh đầu tư và quyết tâm đồng hành dài hạn đều thuộc các ngành cơ bản và thiết yếu, có tiềm năng phát triển lâu dài như nông nghiệp, tiêu dùng, nuôi trồng chế biến xuất khẩu thủy hải sản …

 

Quá trình tái cấu trúc TTCK đang ngày càng lộ diện nhiều CTCK yếu kém. Ở vị trí người dẫn đầu, SSI có nhiều lợi thế để thu hút DN, NĐT, nhưng nếu DN/NĐT muốn có sự lựa chọn khác SSI thì đâu là những CTCK đáng tin cậy, thưa bà?

SSI không phải là lựa chọn duy nhất của NĐT và DN. Theo những yếu tố để CTCK trụ lại trong một thị trường khó khăn, DN và NĐT có thể căn cứ vào đó để xác định địa chỉ tin cậy cho mình. Tôi tin DN và NĐT hoàn toàn có thể nhận biết được. Đơn giản nhất, trước hết DN và NĐT hãy kiên quyết nói “không” với các công ty đã có “tiền án tiền sự” về giao dịch không minh bạch, những scandal tranh chấp với NĐT... Trong quá trình chọn lựa, DN và NĐT có thể lưu tâm tới việc tìm hiểu BCTC kiểm toán của CTCK, nghiên cứu các vụ việc được thông tin để rút kinh nghiệm cho mình. Đặc biệt, DN và NĐT không nên tham gia cùng các CTCK thực hiện giao dịch không minh bạch để tránh rơi vào tình huống tổn thất mà khó được luật pháp bảo vệ. Một lời khuyên nho nhỏ cho NĐT ngại rủi ro là hãy tiếp cận với bộ phận quản lý rủi ro của CTCK để đánh giá được mức độ rủi ro ở nơi mà quý vị có ý định gửi gắm tài sản của mình. Việc bắt tay với một CTCK không có hệ thống quản trị rủi ro, hoặc bất chấp rủi ro, thì chẳng khác gì “giao trứng cho ác”, dốc túi vào một canh bạc may ít rủi nhiều.

 

Trò chuyện với Giám đốc Tài chính SSI ảnh 1

Đơn vị tính:tỷ đồng. Nguồn:BCTC quý III/2012 của các CTCK

 

Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, SSI đảm trách khối lượng giao dịch rất lớn, nhưng chưa từng làm nhà quản lý phải đau đầu, vì Công ty thực hiện nghiêm túc và chuẩn mực tất cả các nghĩa vụ thanh toán. Xin bà cho biết, vì sao SSI giữ được kỷ luật thanh toán trong suốt quá trình dài như vậy?  

Chúng tôi ý thức được rằng thanh khoản là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của các tổ chức tài chính nói chung và CTCK nói riêng. Thanh khoản tốt thể hiện sức khỏe tài chính lành mạnh của CTCK. Thanh khoản yếu không chỉ báo động về sức khỏe của CTCK, mà còn ảnh hưởng trực tiếp ngay đến quyền lợi của NĐT. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, phải tuyệt đối bảo vệ được quyền lợi của NĐT trong mọi tình huống, vì thế đã đồng thời thực hiện nhiều biện pháp như xây dựng chính sách và quy trình quản trị rủi ro thanh khoản và duy trì kỷ luật tuân thủ nghiêm túc, quản lý rạch ròi tách bạch tiền gửi của NĐT. Việc quản lý thanh khoản và cân đối nguồn vốn phải được thực hiện bởi một bộ phận độc lập và chuyên nghiệp - SSI đã xây dựng được một đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và có năng lực cao trong hoạt động quản lý nguồn vốn.

Chúng tôi rất tự hào vì trong suốt 12 năm hoạt động trên TTCK, với khối lượng giao dịch lớn nhất nhì thị trường, nhưng chưa bao giờ xảy ra bất kỳ trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán nào. Chúng tôi sẽ giữ vững và luôn phát huy truyền thống này trong suốt chặng đường hoạt động sắp tới của SSI.

 

TTCK từng trải qua giai đoạn cạnh tranh không lành mạnh khi nhiều CTCK sử dụng các “chiêu trò” để thúc đẩy khách hàng giao dịch. SSI không phải không nhận ra và bản thân Công ty cũng từng phải chịu sức ép không nhỏ từ khách hàng. Vậy đâu là lý do quan trọng nhất giúp SSI không bị sa đà, luôn “giữ được mình” và tự tin là CTCK hoạt động minh bạch, tuân thủ các quy định pháp luật trên TTCK Việt Nam ?

Đúng là SSI đã và đang phải chịu những áp lực lớn từ hiện trạng này trên thị trường. Áp lực đến từ khách hàng, bởi không phải khách hàng nào cũng dễ dàng nhận biết được chính sách sản phẩm dịch vụ nào hàm chứa rủi ro trong đó và khách hàng cũng khó có thể tỏ tường quy định pháp lý bằng các CTCK. Áp lực đến từ sự cạnh tranh về thị phần, vì thị phần là một trong các yếu tố đo lường uy tín và thương hiệu của CTCK. Áp lực đến từ mục tiêu doanh thu, bởi giao dịch của khách hàng mang lại nguồn thu cho CTCK. Áp lực cũng đến từ chính nhân viên của Công ty, bởi giao dịch của khách hàng mang lại thu nhập cho nhân viên… Chúng tôi phải trải qua nhiều tháng ngày trăn trở, có những lúc như “ngồi trên chảo lửa”. Tuy nhiên, đạo đức nghề nghiệp và tầm nhìn dài hạn đã giúp chúng tôi “giữ mình”. Đạo đức nghề nghiệp không cho phép chúng tôi thực hiện “chiêu trò ngắn hạn”, lạm dụng lòng tin của khách hàng hay tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Đạo đức nghề nghiệp buộc SSI đặt chữ tín lên đầu, niềm tin của khách hàng là quan trọng hơn cả. Và với một tầm nhìn dài hạn, chúng tôi hiểu rằng, nhân viên không thể xây dựng sự nghiệp, Công ty không thể xây dựng sự phát triển lâu dài, ổn định dựa trên những chiêu trò chộp giật nhất thời. Chúng tôi tin tưởng rằng, một thị trường lành mạnh sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho mọi thành viên và nếu mỗi CTCK đều nỗ lực giữ mình, tuân thủ pháp luật, hoạt động minh bạch, sẽ góp phần xây dựng một thị trường như vậy.

 

Ở vị trí của một DNniêm yết, theo bà, NĐT đã đánh giá đúng giá trị của SSI chưa? SSI có bao giờ khuyên NĐT mua cổ phiếu của chính Công ty không?

Thực ra, với bất kỳ cổ phiếu nào, thì việc đánh giá đúng giá trị hay chưa còn tùy thuộc vào chiến lược đầu tư, quan điểm và khẩu vị rủi ro của NĐT. Chúng tôi cũng hay nhận được câu hỏi của NĐT như “có nên mua cổ phiếu SSI không?”, “nên mua cổ phiếu SSI ở mức giá nào?”, “khi nào thì nên mua cổ phiếu SSI?”… Chúng tôi giành quyền quyết định cho NĐT và chỉ hỗ trợ họ quyết định đúng hơn bằng cách nỗ lực minh bạch hóa hoạt động, minh bạch hóa thông tin tài chính nhất có thể.

Tường Vi thực hiện.
Tường Vi thực hiện.

Tin cùng chuyên mục