Cốt truyện phức tạp của trò chơi vương quyền gay cấn nhất lịch sử hiện đại được thể hiện bằng hai hình ảnh, theo New York Times. Hình ảnh đầu tiên là đám cưới thứ ba của tỷ phú Donald Trump tại Mar-a-Lago năm 2005, thượng nghị sĩ New York Hillary Clinton trong trang phục lụa màu vàng tươi cười chúc phúc cho ông trùm bất động sản và cô dâu Melania.
Hình ảnh thứ hai là cuộc tranh luận tổng thống hồi tháng trước ở St. Louis: ông Trump đứng đằng sau lưng bà Hillary giống như một cảnh trong phim kinh dị khi bà đang trả lời câu hỏi của khán giả. Ba vị khách được ông Trump sắp xếp ngồi hàng ghế đầu là những phụ nữ cáo buộc ông Bill Clinton tấn công tình dục. Hai hình ảnh này thể hiện mối quan hệ của họ đã thay đổi đến nhường nào.
Tình bạn trên sân golf
Nhà Clinton chuyển từ Washington tới New York vào năm 2000 để bà Hillary có thể tranh cử vào thượng viện Mỹ và né tránh những lùm xùm sau bê bối Bill Clinton ngoại tình với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.
Ông Bill lúc đó cũng cần lấy lại hình ảnh sau bê bối tình ái và quyết định ân xá gây tranh cãi cho Marc Rich, người bị cáo buộc trốn thuế và làm ăn bất hợp pháp với Iran. Ông Bill đã bị 4 câu lạc bộ golf có tiếng ở hạt Westchester đối xử lạnh nhạt khi ông cố gắng tham gia. Tỷ phú Trump, người sống tại New York, lúc đó đã bày tỏ sự ngạc nhiên đối với Maureen Dowd - cây bút chuyên về chính trị của NYTimes rằng: "Bây giờ ông Clinton thậm chí không thể xin vào câu lạc bộ golf ở Westchester. Một cựu tổng thống phải đi xin vào câu lạc bộ golf. Thật khó tưởng".
Ông Bill sau đó bắt đầu chiến dịch cải thiện hình ảnh, với các bài phát biểu tại trường đại học và kêu gọi các cựu thành viên nội các và những quan chức khác nhắc đến di sản của ông.
Ông Trump cho rằng ông và Bill Clinton có điểm chung là cả hai đều là người kiệt xuất bị nhiều kẻ ganh ghét. Tỷ phú nhận ra golf chính là chìa khóa nếu ông muốn giao du với cựu tổng thống. Ông Trump lúc đó có một câu lạc bộ riêng với một sân golf ở Westchester. Ông đã đóng cửa câu lạc bộ này vào năm 1999 rồi sau đó cải tạo và mở cửa trở lại với tên Câu lạc bộ golf Quốc gia Trump năm 2002.
Cơ sở này chỉ cách nhà Clinton gần 10 km và ông Trump có thể chơi golf cùng cựu tổng thống tại đây. Tỷ phú nói với nhà báo Maureen Dowd rằng ông xây dựng lại câu lạc bộ một phần vì ông biết Bill Clinton cần một nơi để chơi. Ông thậm chí còn treo ảnh ông Clinton trên tường câu lạc bộ. Đến tháng 6 năm nay, ông Clinton vẫn có một ngăn trong tủ thay đồ tại câu lạc bộ golf của ông Trump.
Giao dịch
Ông Trump tiếp tục bôi trơn mối quan hệ với cựu tổng thống và thượng nghị sĩ với việc ủng hộ cho quỹ Clinton 100.000 USD. Theo cuốn "Tiết lộ về Trump" của các phóng viên Washington Post, ông Trump còn ủng hộ quỹ vận động thượng nghị sĩ của bà Hillary Clinton 6 lần từ năm 2002 đến năm 2009, với tổng số tiền 4.700 USD.
Tuy nhiên, theo Dowd, tình bạn này chỉ như một giao dịch. Cuộc sống của ông Trump ở New York xoay quanh việc đánh bóng thương hiệu và thúc đẩy đế chế kinh doanh của gia đình. Nhà Clinton cũng giống như vậy. Một cựu quan chức Nhà Trắng dưới thời ông Clinton còn thẳng thừng nói: "Đây là kiểu tiền ở đâu người ở đấy điển hình của nhà Clinton".
"Họ đều chơi cùng một trò chơi trong cùng một thành phố với cùng một mục tiêu", Bernard Kerik, cựu ủy viên cảnh sát thành phố New York, nói. "Củng cố mối quan hệ và kiếm lợi từ đó".
Bản thân ứng viên đảng Cộng hòa cũng khẳng định sự hào phóng của mình chỉ là một chiến lược đơn giản.
"Tôi là một doanh nhân, tôi đóng góp cho mọi người", ông Trump nói hồi tháng 7/2015. "Khi tôi cần Hillary, bà ấy có mặt. Nếu tôi mời họ đến đám cưới của tôi, họ sẽ đến đám cưới của tôi".
Năm ngoái, ông Trump nói với Politico rằng thượng nghị sĩ Clinton có mặt tại đám cưới thứ ba của mình vì ông là một nhà tài trợ hào phóng.
"Tôi yêu cầu họ có mặt ở đó - họ không có sự lựa chọn nào khác và đó là vấn đề của nước ta. Đất nước chúng ta đang được vận hành bởi các nhà tài trợ, những nhóm lợi ích và vận động hành lang", ông nói.
"Với tôi, không có vận động hành lang hay các nhóm lợi ích. Tôi chỉ quan tâm đến nước Mỹ", tỷ phú nhấn mạnh.
Căn nhà "Quyền lực nhất thế giới" : The White House
Bà Clinton cũng đã cố gắng giảm nhẹ sự hiện diện của bà trong đám cưới của ông Trump là hoàn toàn "vui vẻ" và "mang tính giải trí". Nhưng NY Times cho biết một số trợ lý của bà đã rất ngạc nhiên khi thấy bà đến một sự kiện như vậy. Họ tin rằng bà Clinton đã sắp xếp lại lịch trình để đến dự vì bà nghĩ ông Trump là một nhà tài trợ quan trọng.
Mối quan hệ của ông Trump và bà Clinton làm dấy lên thuyết âm mưu rằng việc ông tranh cử vốn được sắp đặt để bà Clinton dễ vào Nhà Trắng. Washington Post tiết lộ chính ông Clinton khuyến khích ông Trump đóng vai trò lớn hơn trong đảng Cộng hòa và cảnh báo rằng ông sẽ không thành công nếu tranh cử với tư cách ứng viên độc lập.
Tháng 6/2015, ông Clinton nói rằng "các bạn tin hay không thì tùy, nhưng ông Trump đã đối xử đặc biệt tốt với Hillary và tôi".
Thực tế, năm 2012, ông Trump đã nói trên kênh Fox rằng bà Clinton là "một người phụ nữ tuyệt vời thực sự làm việc chăm chỉ", ông đã "biết bà và chồng bà trong nhiều năm" và ông "thích cả hai người".
Trong khi đó, khi nói về mối quan hệ với ông Trump, bà Clinton lại bông đùa. Bà nói trong chương trình Late Night with David Letterman năm 2000 rằng một trong những lý do bà đến chương trình là "có cớ để không phải ăn tối với Donald Trump".
Hồi tháng hai, ứng viên đảng Dân chủ khẳng định với People rằng bà và đối thủ "không phải là bạn". "Tất nhiên là chúng tôi biết nhau vì chúng tôi cùng ở New York. Tôi biết rất nhiều người", bà nói thêm.
Cùng tháng đó, bà xuất hiện trên chương trình Morning Joe của MSNBC và nói rằng: "Tôi không biết rõ ông ấy lắm, nhưng đúng là tôi quen biết ông ấy. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là một người luôn niềm nở và giao thiệp tốt như vậy lại có nhiều thành kiến và hoang tưởng". "Một số bình luận của ông ấy mang tính chia rẽ và hằn học, không giống như những gì tôi từng biết về ông ấy", bà nói thêm.
Cây bút Emma Reynolds của news.com.au nhận xét rằng rõ ràng tình bạn và tình trạng thù địch hiện giờ của Trump và Clinton thực chất luôn xoay quanh vấn đề công việc và chính trị, cô vẫn nghi ngờ liệu hai người có thể nhanh chóng làm hòa sau khi mùa bầu cử kết thúc hay không.
"Trong khi một số người có thể tin rằng những lời lẽ gay gắt mà họ dùng để nhằm vào nhau trong chiến dịch tranh cử chỉ mang tính chiến thuật, những lời lăng mạ cá nhân sẽ khó có thể nhanh chóng chìm vào dĩ vãng", cô viết.