Trịnh Xuân Thanh liên quan gì vụ án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ?

(ĐTCK) Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định hành vi Trịnh Xuân Thanh trong việc mua bán 34.000 m2 đất ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có dấu hiệu Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trịnh Xuân Thanh Trịnh Xuân Thanh

Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố 4 bị can trong vụ án xảy ra tại CTCP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX), trong đó có bị can Đỗ Văn Hồng, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC).

Theo đó, PVTEX là doanh nghiệp được thành lập để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất sơ xợi Polyester Đình Vũ.

Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) là một nhà thầu trong liên danh tổng thầu của dự án.  

Ngày 12/8/2009, PVC đã ký với PVC.KBC hợp đồng thi công một số hạng mục thuộc Dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ. Công ty PVC.KBC do Đỗ Văn Hồng làm Giám đốc.

Đỗ Văn Hồng đề xuất và được Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) tạo điều kiện cho tạm ứng 25 tỷ đồng trái với quy định và quy chế quản lý hợp đồng của PVC.

Sau khi nhận tiền tạm ứng, Hồng không sử dụng để thực hiện các công việc theo hợp đồng mà dùng 23,8 tỷ đồng để mua 3.400 m2 đất tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, đứng tên chủ sở hữu là PVC-KBC.

Sau đó, Trịnh Xuân Thanh tiếp tục chỉ đạo Hồng làm thủ tục để PVC-KBC chuyển nhượng lại mảnh đất này cho Công ty Mai Phương của gia đình Thanh với giá 23,8 tỷ đồng, nhưng chỉ trả cho PVC-KBC 20,8 tỷ đồng, còn 3 tỷ đến nay chưa thanh toán.

Để hợp thức việc tạm ứng sai quy định, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo làm thủ tục chuyển 21 tỷ đồng tiền tạm ứng từ PVC cho PVC-KBC thành tiền PVC góp vốn vào PVC-KBC.

Theo cơ quan điều tra, hành vi của Trịnh Xuân Thanh có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong đó có vai trò của Hồng. Nhưng đến nay, do thời hạn điều tra đã hết, chưa đủ điều kiện kết luận nội dung này trong cùng vụ án nên CQĐT tiếp tục điều tra xác minh để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Quá trình điều tra, CQĐT Bộ Công an ra lệnh kê biên tài sản đối với thửa đất số 06 có diện tích 3.400m2, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thị trấn Tam Đảo của Công ty TNHH Đầu tư Mai Phương.

Ngày 11/6, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an ra quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản trên, đồng thời có công văn ngày 12/6 đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc và các đơn vị chức năng tạm dừng việc giao dịch, chuyển nhượng đối với thửa đất này để phục vụ cho việc điều tra tiếp theo.

Đối với hành vi xin tạm ứng của Đỗ Văn Hồng, khi thực hiện một số hạng mục tại dự án xây dựng nhà máy Polyester Đình Vũ theo hợp đồng với PVC, sau khi tạm ứng 25 tỷ đồng, Đỗ Văn Hồng không sử dụng vào dự án. Tuy nhiên, sau đó Hồng và PVC-KBC vẫn hoàn thành các phần việc theo hợp đồng.

Vì vậy, Cơ quan An ninh điều tra không xử lý hình sự đối với Hồng về sai phạm trong việc đề xuất tạm ứng, sử dụng sai mục đích tiền tạm ứng theo hợp đồng. Tuy nhiên, hành vi này có liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng 3.400 m2 đất tại Tam Đảo nên Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Về những dấu hiệu sai phạm theo kết luận số 2632/KL-TTCP ngày 3/10/2016 của Thanh tra Chính phủ, Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành xác minh nhưng cần thêm thời gian để giám định, kết luận hậu quả thiệt hại. Do đó, cơ quan điều tra đã tách những hành vi này tiếp tục điều tra xác minh có căn cứ xử lý theo pháp luật.

Để giải quyết toàn diện vụ án, ngày 26/6, VKSND Tối cao có công văn đề nghị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh những dấu hiệu sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, Đỗ Văn Hồng trong việc tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai quy định để mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo và dấu hiệu sai phạm theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục