Bộ GTVT vừa có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Theo đó, Dự án có tổng chiều dài 28,8 km với điểm đầu tại Km0 (kết nối với tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới), xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới; điểm cuối tại Km28+807 (giao với Quốc lộ 3B, kết nối với điểm đầu Dự án đường Bắc Kạn – hồ Ba Bể), TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.
Từ Km0, tuyến đi về phía bên trái đường Thái Nguyên - Chợ Mới, bám theo sông Cầu, đi tránh nhà máy Misaki, đi dọc bên trái sông Cầu đến xã Nông Hạ huyện Chợ Mới; tuyến vượt sông Cầu, Quốc lộ 3, đi qua các xã Thanh Mai, xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới), xã Nông Thượng, phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn); vuốt nối với Dự án đường Bắc Kạn – hồ Ba Bể tại TP. Bắc Kạn.
Giai đoạn tiếp theo, Bộ GTVT sẽ phối hợp với tỉnh Bắc Kạn rà soát để cụ thể hóa chi tiết hướng tuyến bảo đảm hiệu quả đầu tư; cập nhật phương án tuyến vào quy hoạch có liên quan để kết nối thuận tiện với các khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp...
Theo quy hoạch, điểm cuối tuyến cao tốc tại Km28+400 nhưng do tuyến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng chưa đầu tư, để phát huy hiệu quả, bảo đảm kết nối tuyến cao tốc với hệ thống giao thông khu vực nên Bộ GTVT đề xuất đầu tư trong dự án đoạn vuốt nối từ điểm cuối quy hoạch đến tuyến đường Bắc Kạn - hồ Ba Bể tại Km28+807, chiều dài khoảng 0,4km.
Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn vốn, hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị phương án đầu tư theo quy mô quy hoạch 4 làn xe, nền đường rộng 22m, mặt đường rộng 20,5m, đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 80km/h (một số đoạn có điều kiện địa hình thuận lợi nghiên cứu thiết kế yếu tố hình học theo cấp tốc độ thiết kế 100km/h). Đối với tuyến vuốt nối với đường Bắc Kạn - hồ Ba Bể sẽ thiết kế theo quy mô đường cấp III, nền đường 12m, mặt đường 11m, đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2035.
Tuyến đường sau khi đầu tư có chiều dài khoảng 28,8km, kết nối với tuyến Hà Nội – Thái Nguyên (đã đầu tư theo quy mô cao tốc bằng nguồn vốn ODA, không thu phí) bằng tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới (quy mô 2 làn xe và đầu tư theo hình thức BOT và đang trong giai đoạn thu phí hoàn vốn).
Cả 2 tuyến Hà Nội – Thái Nguyên và Thái Nguyên – Chợ Mới đều chưa đầu tư hệ thống giao thông thông minh nên chưa cần thiết đầu tư hệ thống giao thông thông minh và trạm thu phí.
Hệ thống giao thông thông minh và trạm thu phí sẽ thực hiện đầu tư đồng bộ với tuyến Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn khi tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới được nâng cấp theo quy hoạch cao tốc 4 làn xe.
Với quy mô đầu tư như trên, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 5.750 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng 4.146 tỷ đồng; chi phí Tư vấn, quản lý dự án 414 tỷ đồng; chi phí GPMB 490 tỷ đồng; chi phí dự phòng 700 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, tuyến cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống người dân còn nhiều khó khăn cần có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và hiện nay lưu lượng chưa lớn nên phương án tài chính không khả thi nếu thực hiện đầu tư theo hình thức PPP sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư.
Thực tế hiện nay, đối với đoạn tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn và Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý tháo gỡ khó khăn cho dự án này.
Do vai trò quan trọng của Dự án, tính khả thi trong việc đầu tư dự án theo hình thức PPP, Bộ GTVT đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công và hiện Dự án đã được bố trí 1.815,3 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Đối với phần kinh phí còn thiếu, dự kiến sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, trong đó dự kiến bổ sung 3.734 tỷ đồng để đảm bảo đủ tổng mức đầu tư là 5.751 tỷ đồng để đầu tư Dự án với quy mô 4 làn xe đã được Bộ GTVT tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận vào tháng 3/2023.
Do tính chất quan trọng của dự án, Bộ GTVT và UBND tỉnh Bắc Kạn sẽ triển khai ngay các thủ tục theo quy định, để sớm khởi công dự án. Dự kiến, Bộ GTVT sẽ chuẩn bị dự án: năm 2023 – 2024; GPMB, tái định cư: từ năm 2023 – 2024; thi công xây dựng công trình: từ năm 2024 và hoàn thành năm 2026.
Sau khi Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo đồng bộ về quy mô, nối thông tuyến đường Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới – TP. Bắc Kạn, góp phần tạo nên mạng lưới giao thông có tính kết nối vùng, thống nhất với hệ thống đường bộ trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh trong khu vực.
Bên cạnh đó, Dự án còn tăng cường kết nối vùng, đặc biệt là vùng núi, trung du phía Bắc với Hà Nội và Đồng bằng Sông Hồng. Mở rộng thị trường, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị với các khu vực khác; rút ngắn khoảng cách và khắc phục sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, miền, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía Đông Bắc (Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang…).