Chiều 28/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Phó Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm 2024 cho thấy nhiều điểm tích cực, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%).
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực thì nền kinh tế vẫn tồn tại không ít thách thức, rủi ro. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn có xu hướng cao; tiêu dùng, giải ngân đầu tư công chưa được như kỳ vọng; các yếu tố đầu vào trong sản xuất gặp nhiều rào cản cũng như khó khăn trong chuyển dịch mô hình tăng trưởng…
"Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 cũng như tác động không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân - là động lực của tăng trưởng", Phó Thủ tướng nói và cho rằng cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng.
Theo đó, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), kéo dài trong 6 tháng (từ 1/1/2025 đến hết 30/6/2025).
Việc giảm thuế không áp dụng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chính phủ ước tính nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua sẽ dự kiến làm giảm thu ngân sách Nhà nước 26.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên Chính phủ nhấn mạnh, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với phạm vi áp dụng chính sách theo đề xuất của Chính phủ.
Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ các giải pháp để xử lý các vướng mắc, bất cập này, bảo đảm mục tiêu dễ thực hiện và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
|
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh |
Cụ thể, việc ban hành và thực thi chính sách theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội đã gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định do việc loại trừ, không giảm thuế đối với một số nhóm hàng hoá, dịch vụ.
Trong quá trình thẩm tra đề xuất ban hành chính sách của Chính phủ, Ủy ban TCNS đã đề nghị Chính phủ làm rõ các giải pháp để xử lý các vướng mắc, bất cập này, bảo đảm mục tiêu dễ thực hiện và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 đã nêu mặc dù đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện song vẫn tồn tại các vướng mắc, bất cập này trong quá trình thực hiện chính sách giảm thuế.
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc chưa có giải pháp để khắc phục triệt để các vướng mắc, bất cập này dẫn đến chính sách được ban hành và thực hiện song chưa thực sự đạt được mục tiêu “đảm bảo dễ thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế” được đề ra trong ban hành chính sách.
Về thời hạn giảm thuế VAT đến hết tháng 6/2025, ông Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đề xuất ban hành và thực thi chính sách giảm thuế VAT trong thời gian qua được thực hiện tương đối ngắn hạn, thể hiện chất lượng của công tác dự báo và tầm nhìn của việc đề xuất ban hành chính sách, làm ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh,...
Do đó, để hướng tới sự ổn định và tính dự báo của hệ thống chính sách thuế VAT đồng thời, bảo đảm đồng bộ với hiệu lực thi hành dự kiến đang được quy định trong dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi), Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ bảo đảm thời hạn chấm dứt hiệu lực thực hiện của chính sách giảm thuế VAT như được trình tại kỳ họp này, không tiếp tục đề nghị kéo dài thời gian thực hiện của chính sách.
Sau khi Chính phủ trình và Uỷ ban Tài chính Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết này. Cuối phiên thảo luận, đại diện Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo chương trình Kỳ họp, nếu được Quốc hội thông qua, việc giảm thuế VAT 2% nói trên sẽ được thể hiện tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, dự kiến được thông qua vào chiều 30/11, trước khi bế mạc Kỳ họp.