Trình lại Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1

0:00 / 0:00
0:00
Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tuần, Bộ Giao thông - Vận tải trình cấp có thẩm quyền Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký tờ trình số 2597/TTr – BGTVT ngày 18/3/2022, gửi Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.

Báo cáo này được Bộ Giao thông - Vận tải tiếp thu, hoàn chỉnh trên cơ sở Báo cáo kết quả thẩm định số 1722/BC-HĐTĐNN ngày 18/3/2022 của Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Theo đề xuất mới nhất, Dự án có điểm đầu từ TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang), điểm cuối cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), tổng chiều dài: khoảng 188,2 km, được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe hạn chế, hình thức đầu tư là đầu tư công.

Dự án có nhu cầu sử dụng đất là khoảng 1.205 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 860 ha, đất dân cư khoảng 24 ha, đất trồng cây lâu năm 127 ha, đất trồng cây hàng năm 64,93 ha, đất nuôi trồng thủy hải sản 10,07 ha, đất công cộng 119 ha. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 1.194 hộ, số hộ tái định cư khoảng 1.075 hộ.

Dự án sẽ giải phóng mặt bằng tất cả các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh như quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo tính toán của Bộ Giao thông - Vận tải, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 44.691 tỷ đồng, trong đó có 14.247 tỷ đồng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15; 3.800 tỷ đồng đã dự kiến nguồn vốn từ Chương trình triển khai trong 2 năm 2022, 2023; 9.028 tỷ đồng đề xuất từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông - Vận tải sau khi rà soát các dự án giảm nhu cầu và nguồn dự kiến thu được từ nhượng quyền khai thác các đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo chủ trương tại các Nghị quyết của Quốc hội và 17.616 tỷ đồng chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 – 2030.

Dự án được chia dự án thành 4 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 (Km0+000 đến khoảng Km57+200) từ TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang đến huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, dài 57,2 km thuộc địa bàn tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ (do vị trí ranh giới hai tỉnh nằm giữa công trình cầu tại Km56+700), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.799 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 (Km57+200 đến khoảng Km94+400) từ huyện Vĩnh Thạnh đến huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, dài 37,2 km thuộc địa bàn TP. Cần Thơ, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.845 tỷ đồng.

Dự án thành phần 3 (Km94+400 đến khoảng Km131+300) từ huyện Châu Thành A đến huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, dài 36,9 km thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.927 tỷ đồng.

Dự án thành phần 4 (Km131+300 đến khoảng Km188+200) từ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đến huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, dài 56,9 km thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng (do vị trí ranh giới hai tỉnh nằm giữa cầu vượt nút giao với tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11.120 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện Dự án được tạm xác định là chuẩn bị dự án năm 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2026.

Để bảo đảm rút ngắn thời gian thực hiện, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó có việc cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình; các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này đến khi hoàn thành dự án.

Dự án thuộc đối tượng phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án và thẩm quyền phân cấp là Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định cụ thể.

Đối với các dự án thành phần được Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho địa phương, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chuyển nguồn vốn từ kế hoạch trung hạn của Bộ Giao thông - Vận tải cho các địa phương để triển khai thực hiện các dự án thành phần.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục