Theo đó, thị trường chứng khoán những tháng cuối năm nhiều khả năng tiếp tục có xu hướng tăng điểm.
Yếu tố nào sẽ giúp VN-Index chinh phục những mốc điểm cao hơn, theo ông?
Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng là một trong những yếu tố quan trọng giúp thị trường chứng khoán tăng điểm. Tính đến ngày 31/7/2017, theo thống kê của KIS Việt Nam, có 458 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.
Tổng doanh thu và lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp này tăng lần lượt 16,0% và 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán) và bất động sản, lợi nhuận tăng lần lượt 25,6% và 29,6%.
Nhóm ngành công nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt 14,1% và 20,7%,
6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ cả về điểm số và thanh khoản đã hỗ trợ cho nhóm chứng khoán. Nhóm ngân hàng được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và tỷ lệ nợ xấu được xử lý ở mức thấp.
Thị trường bất động sản phục hồi trong những năm gần đây có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành kể từ quý IV/2016 đến nay.
Ông Bạch An Viễn
Trên cơ sở kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển vọng 6 tháng cuối năm của các doanh nghiệp niêm yết như nhu cầu trong nước và thế giới tăng, giá nguyên liệu, hàng hóa phục hồi, lãi suất ổn định ở mức thấp, chi phí sản xuất được kiểm soát, ngành tài chính, bất động sản phục hồi tích cực…, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng lợi nhuận khối doanh nghiệp niêm yết năm 2017 từ 9% lên 17 - 18%.
Với mức tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) dự phóng 17 - 18% trong năm 2017, cùng P/E dự phóng cho toàn thị trường là 16 - 16,5 lần, tôi cho rằng, VN-Index có thể sẽ vận động trong xu thế tăng từ 750 - 820 điểm trong những tháng cuối năm, thậm chí cao hơn.
Hiện tại, VN-Index đã tăng gần 19% so với đầu năm, đạt xấp xỉ 790 điểm. Theo ông, đâu là những thách thức mà nhà đầu tư cần quan tâm?
Thách thức chủ yếu hiện nay là áp lực chốt lời gia tăng trên cơ sở định giá thị trường hiện đã đi vào vùng không còn rẻ. Chỉ số P/E trượt toàn thị trường tính đến cuối tháng 7 ở mức 16,5 lần, tiệm cận mức cao nhất của năm 2016.
Tuy nhiên, so sánh với mức định giá thị trường các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, mức định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại không cao.
Mặc dù vậy, áp lực bán ra nhiều khả năng sẽ gia tăng khi VN-Index tiếp cận các mức cao mới. Khi đó, nếu thị trường xuất hiện thông tin tiêu cực, nhà đầu tư sẽ dễ có phản ứng thái quá.
Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, dự báo sẽ có nhiều đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), thêm nhiều doanh nghiệp lên niêm yết/đăng ký giao dịch, trong đó có những doanh nghiệp đầu ngành. Đây là những cơ hôi đầu tư đáng quan tâm, nhưng áp lực nguồn cung trên thị trường có thể khiến dòng tiền khó lan tỏa trên diện rộng.
Bên cạnh đó, giá một số hàng hóa cơ bản sau khi đạt đỉnh ngắn hạn vào đầu năm đã điều chỉnh giảm, hiện vẫn nhiều chịu áp lực, có thể ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của một số nhóm ngành, trong đó có năng lượng.
Đáng chú ý, triển vọng giá dầu vẫn còn gập ghềnh do áp lực dư cung duy trì khi thỏa thuận giữa các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước ngoài tổ chức này về giảm sản lượng khai thác dầu mỏ không đạt được kết quả như dự kiến. Trong khi đó, Mỹ đang đẩy mạnh khai thác dầu, với số giàn khoan liên tục tăng từ 442 lên 758 trong nửa đầu năm 2017.
Trong ngắn hạn, thị trường đang chuẩn bị bước vào “vùng trũng” thông tin, ông có gợi ý gì về chiến lược đầu tư?
Theo tôi, điểm số chứng khoán chỉ là một khía cạnh tham khảo, nhà đầu tư cần chú trọng đến những cổ phiếu tiềm năng, đi vào câu chuyện từng doanh nghiệp hơn ngành hay thị trường chung.
Trước khả năng dòng tiền sẽ phân hóa, nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu có mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn mức tăng tổng thể của thị trường như nhóm cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước lớn được IPO, niêm yết mới; nhóm chứng khoán, ngân hàng vốn được hưởng lợi từ sự bứt phá của thị trường chứng khoán và nghị quyết về xử lý nợ xấu; nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn được kỳ vọng sẽ nâng “room” khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã chạm giới hạn; những cổ phiếu đầu ngành có mức tăng trưởng ổn định…