Kinh tế phục hồi bền vững
Năm 2024 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Theo ước tính của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, tăng trưởng GDP trong năm 2024 tiệm cận mức 7%, thậm chí có thể cán đích 7% như kế hoạch Chính phủ đề ra. Động lực chính cho đà tăng trưởng này là các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài, cùng sự phục hồi ấn tượng của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19.
|
Ông Brook Colin Taylor , Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital |
Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì chiến lược tăng trưởng dài hạn thông qua việc thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng hợp tác thương mại quốc tế và đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Mặc dù mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 6,5 - 7,5% là một thử thách trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, Việt Nam vẫn có cơ sở vững chắc để đạt được mục tiêu này. Xuất khẩu có thể không duy trì đà tăng mạnh mẽ như trong năm 2024 do ảnh hưởng từ tình hình quốc tế, nhưng thị trường nội địa sẽ trở thành động lực quan trọng. Tiêu dùng trong nước, chiếm hơn 60% giá trị nền kinh tế, sẽ phát triển nhờ sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt khi thị trường bất động sản được cải thiện.
Chính phủ cũng lên kế hoạch đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2025, thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế. Những yếu tố dài hạn như cơ cấu dân số trẻ, đô thị hóa nhanh chóng và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Nâng hạng thị trường - mục tiêu lớn, động lực lớn
Một trong những mục tiêu lớn của Việt Nam trong năm 2025 là nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đây là bước đi chiến lược nhằm thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế và gia tăng sự ổn định cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam cần cải thiện một số yếu tố như tự do hóa giao dịch ngoại hối, cải thiện thủ tục đăng ký tài khoản cho nhà đầu tư quốc tế và nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Nâng hạng thịt trường chứng khoán sẽ tác động sâu rộng đến ngành ngân hàng, chiếm khoảng 40% vốn hóa thị trường. Ngành ngân hàng sẽ hưởng lợi từ dòng vốn ngoại gia tăng, đồng thời có cơ hội phát hành cổ phiếu, trái phiếu, tiếp cận nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp. Tuy nhiên, sự tham gia của các cổ đông lớn, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi các ngân hàng phải nâng cao chuẩn mực quản trị và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động tài chính. Điều này đồng thời cũng tạo cơ hội cho ngân hàng cải thiện hiệu quả tài chính và phát triển bền vững.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025 được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ các yếu tố tích cực như tăng trưởng kinh tế mạnh, triển vọng lợi nhuận khả quan của doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là nâng hạng thị trường. Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 20%. So với các thị trường trong khu vực, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường Việt Nam dự báo có mức tăng trưởng cao hơn và định giá thấp hơn 20%, tạo cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ước tính đạt 16%, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm sáng trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các kỳ vọng này, các cơ quan quản lý cần duy trì ổn định vĩ mô, nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết và cải thiện quản lý thị trường. Các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao quản trị, bảo đảm tính minh bạch thông tin và cải thiện hiệu quả hoạt động. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện các quy định và cơ chế giám sát để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, phát triển thị trường bền vững.
Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với tiềm năng lớn để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong những năm tới. Các chiến lược dài hạn về đầu tư, cơ sở hạ tầng và chính sách thương mại quốc tế sẽ tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán và sự phát triển mạnh mẽ của ngành ngân hàng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư quốc tế, đồng thời củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Những nỗ lực này không chỉ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, mà còn tạo nền tảng cho các doanh nghiệp và thị trường chứng khoán vươn tới tầm cao mới.