Tiềm năng của thị trường tài sản số
Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng của thị trường tài sản số toàn cầu khi Bitcoin dần được các quốc gia và tổ chức tài chính lớn công nhận là một loại tài sản hợp pháp. Sự chấp nhận này không chỉ củng cố vị thế của Bitcoin mà còn tạo ra một làn sóng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ thị trường tài sản số. Quy mô thị trường toàn cầu đã tăng trưởng theo cấp số nhân, đạt mức vốn hóa hàng nghìn tỷ USD, cho thấy sức hút mạnh mẽ của loại hình tài sản mới này.
|
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu tư FIDT |
Trong câu chuyện chuyển mình của thị trường tài sản số toàn cầu trong năm qua, có thể nói, sự trỗi dậy của Bitcoin ETFs (Quỹ giao dịch hoán đổi Bitcoin) là một trong những động lực quan trọng. Việc các quỹ này được phê duyệt và giao dịch trên các sàn chứng khoán truyền thống đã mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tiếp cận Bitcoin một cách dễ dàng và được quản lý hơn.
Thêm vào đó, sự công nhận của các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Blackrock (quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới) đối với Bitcoin như một loại tài sản đầu tư hợp pháp đã tạo ra một hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, củng cố niềm tin của thị trường và thu hút thêm nhiều nguồn vốn. Khi được Blackrock công nhận như một loại tài sản, Bitcoin và thị trường tài sản số đã bước qua một chương mới: không chỉ dừng lại ở công cụ đầu cơ hay triển vọng mơ hồ về công nghệ mà đã chính thức trở thành một loại tài sản, mà tài sản nghĩa là có thể mua và sở hữu lâu dài, dựa trên giá trị thực.
|
Tại Việt Nam, thị trường tài sản số đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng những tín hiệu ban đầu cho thấy một tương lai đầy hứa hẹn. Các báo cáo gần đây cho thấy, tỷ lệ người Việt Nam sở hữu hoặc sử dụng tiền mã hóa ở mức đáng kể so với các nước trong khu vực và trên toàn cầu. Với hơn 70% dân số sử dụng Internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, Việt Nam có một nền tảng công nghệ vững chắc cho sự phát triển của tài sản số. Sự phổ biến của công nghệ số tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và sử dụng các ứng dụng và dịch vụ liên quan đến tài sản số.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thị trường tài sản số Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Tính pháp lý chưa rõ ràng tạo ra một môi trường đầu tư thiếu chắc chắn. Biến động giá lớn tiềm ẩn rủi ro cho các nhà đầu tư. Tình trạng lừa đảo, gian lận vẫn là một mối đe dọa thường trực. Từ tiềm năng rất lớn cũng như những tồn tại này, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái gấp rút trong việc nghiên cứu và triển khai sàn giao dịch tài sản số thí điểm. Điều này cho thấy sự chủ động của các cơ quan quản lý trong việc nắm bắt xu hướng và tạo ra một môi trường pháp lý có kiểm soát cho thị trường tài sản số. Việc triển khai sàn giao dịch thí điểm được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan quản lý thu thập dữ liệu, đánh giá rủi ro và xây dựng khung pháp lý chính thức một cách hiệu quả hơn.
|
2025, bắt đầu thí điểm thị trường tài sản số
Nhìn sang các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu về phát triển thị trường tài sản số. Singapore đã xây dựng một khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho các công ty tài chính lớn tham gia thị trường. Thái Lan cho phép giao dịch tài sản số được cấp phép và ban hành các quy định về thuế và phòng chống rửa tiền. Malaysia và Philippines cũng đang nỗ lực xây dựng khung pháp lý riêng về thị trường tài sản số, tập trung vào bảo vệ nhà đầu tư và phòng chống rửa tiền.
Từ kinh nghiệm của các nước đi trước, Việt Nam có thể rút ra những bài học quan trọng trong việc xây dựng thị trường tài sản số. Đầu tiên, việc ban hành một khung pháp lý rõ ràng là điều kiện tiên quyết để thị trường tài sản số phát triển lành mạnh và bền vững. Khung pháp lý này cần có sự cân bằng giữa việc quản lý rủi ro và khuyến khích đổi mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khai thác tiềm năng của tài sản số. Hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng, giúp Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng các tiêu chuẩn chung về tài sản số. Cuối cùng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tài sản số là vô cùng cần thiết, giúp người dân hiểu rõ về cả cơ hội lẫn rủi ro, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt.
Thời gian qua, cơ quan quản lý đã có những động thái rất thiết thực trong phát triển thị trường tài sản số. Chẳng hạn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có những buổi gặp gỡ chính thức với Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore. Hai bên đã ký kết Ý định thư hợp tác về bảo vệ, ổn định thị trường vốn và phát triển khung pháp lý quản lý tài sản số. Đây là bước đi quan trọng cho thấy nỗ lực triển khai nghiêm túc việc thí điểm sàn giao dịch tiền số.
Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý cho tài sản số, cho thấy sự thận trọng và nghiêm túc trong việc tiếp cận lĩnh vực mới mẻ này. Khung pháp lý dự kiến có thể bao gồm các yếu tố quan trọng như phân loại tài sản số, cấp phép và quản lý sàn giao dịch, quy định về thuế và phòng chống rửa tiền, cũng như các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư. Lộ trình triển khai chính thức tài sản số ở Việt Nam có thể được chia thành nhiều giai đoạn: giai đoạn đầu tập trung vào nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý (2023-2024), tiếp theo là giai đoạn thí điểm có kiểm soát (với việc triển khai sàn giao dịch thí điểm vào năm 2025 - 2026) để đánh giá tác động và hoàn thiện các quy định (2027-2028), và cuối cùng là giai đoạn triển khai chính thức (từ năm 2029).
Thị trường tài sản số Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Việc Chính phủ chủ động triển khai sàn giao dịch thí điểm là một bước đi quan trọng, cho thấy sự nghiêm túc trong việc tiếp cận và quản lý thị trường này. Để khai thác tối đa tiềm năng của loại hình tài sản mới này, Việt Nam cần xây dựng một khung pháp lý phù hợp, kết hợp với các biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả và các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng. Đây sẽ là chìa khóa để mở ra một tương lai tươi sáng cho thị trường tài sản số Việt Nam, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế số.